Transistor bằng gỗ đầu tiên trên thế giới

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Linköping và Viện Công nghệ Hoàng gia Thụy Điển đã phát triển thành công transistor bằng gỗ (ảnh) đầu tiên trên thế giới.
Transistor bằng gỗ đầu tiên trên thế giới

Trong các thử nghiệm trước đây, các transistor bằng gỗ chỉ có thể điều tiết việc truyền tải ion và khi các ion cạn kiệt, transistor cũng ngừng hoạt động. Tuy nhiên transistor do các nhà sáng chế Thụy Điển tạo ra lần này có thể hoạt động liên tục và điều tiết dòng điện mà không hao mòn.

Chất liệu được sử dụng để làm ra loại transistor mới này là gỗ balsa (tên khoa học là Ochroma pyramidale, được coi là loại gỗ nhẹ nhất thế giới). Nhóm nghiên cứu loại bỏ lignin từ vật phẩm gỗ này và chỉ giữ lại các sợi cellulose dài đều, với các ống dẫn được lấp đầy bằng một loại nhựa hay polymer dẫn điện có tên PEDOT:PSS, giúp chất liệu gỗ này có khả năng truyền dẫn điện.

Vật mẫu này được chứng minh có khả năng điều tiết dòng điện và hoạt động liên tục trong mức điện thế được chọn. Transistor bằng gỗ này cũng có thể bật và tắt nguồn cung điện, mặc dù với độ trễ đáng kể: ngắt điện sau 1 giây và bật điện sau 5 giây. Lợi thế lớn của transistor này là nó có thể chịu được dòng điện cao hơn so với các transistor hữu cơ thông thường, do đó có tiềm năng trong nhiều ứng dụng đặc thù trong tương lai, ví dụ cho các hoạt động điều tiết tại các nhà máy điện.

Là một loại linh kiện bán dẫn chủ động, thường được sử dụng như một phần tử khuếch đại hoặc một khóa điện tử, transistor là một linh kiện quan trọng trong các thiết bị điện tử hiện đại.

Tin cùng chuyên mục