Trào lưu chống liên bang

Sự kiện nước Anh đòi rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành chủ đề nóng trong cuộc họp thượng đỉnh G7 và lễ kỷ niệm 70 năm quân đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy (D-Day). Thủ tướng Anh David Cameron đã dọa sẽ đưa nước Anh rời EU nếu ông Jean-Claude Juncker trở thành chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC).

Vị trí chủ tịch EC sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) đã trở thành vấn đề nóng. Cựu Thủ tướng Jean-Claude Juncker, Chủ tịch đảng Liên minh trung hữu nhân dân (EPP) chiếm đa số ghế trong cuộc bầu cử EP vừa qua đang có nhiều khả năng trở thành chủ tịch EC.

Trước đây, các nhà lãnh đạo EU thường tự đề cử người đứng đầu EC, song theo quy định mới, giờ đây họ phải chờ kết quả chính thức của cuộc bầu cử EP diễn ra hồi tháng 5. Nếu ông Jean-Claude Juncker không giành được sự ủng hộ của 376 nghị sĩ trong EP gồm 751 thành viên thì ông Martin Schulz thuộc khối các đảng Xã hội về nhì sẽ là ứng viên thay thế.

Tờ báo Der Spiegel của Đức cho biết cả Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Anh David Cameron đều không ủng hộ ông Jean-Claude Juncker. Ông Cameron còn cho biết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý sớm tại Anh về quyết định ở lại hay rời khỏi EU.

Theo ông Cameron, ông Jean-Claude Juncker là “gương mặt của quá khứ” không phù hợp để lãnh đạo EU trong vòng 5 năm tới. Ngoài ra, ông Cameron còn bị áp lực trong nước, nhất là từ đảng Ukip (dẫn đầu các đảng phái trong cuộc bầu cử địa phương ở Anh), cho rằng ông Jean-Claude Juncker là người chủ trương liên bang hóa EU, không có khả năng vận dụng nghị trình cải cách EU vốn được Thủ tướng Anh xem là điều cần thiết để giữ Anh ở lại EU.

Đảng Bảo thủ cầm quyền của ông Cameron rút khỏi EPP từ năm 2009. Bên cạnh Thủ tướng Anh và Tổng thống Pháp, trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra tháng 5 vừa qua, lãnh đạo các nước Hungary và Thụy Điển đã chống lại việc đề cử cựu Thủ tướng Luxemburg làm người đứng đầu EC.

Lời đe dọa của Anh rời khỏi EU đã khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng phải vào cuộc can ngăn. Vào ngày kỷ niệm D-Day, Tổng thống Mỹ gọi lịch sử của Anh và Mỹ trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai có nhiều điểm tương đồng để khuyến khích Anh ở lại với các nước láng giềng châu Âu của mình.

Ông Obama đã cảnh báo chống lại việc Anh rời khỏi EU khi cho rằng Anh có một chỗ đứng quan trọng trong một tương lai châu Âu lớn hơn. “Tôi thật khó tưởng tượng tương lai châu Âu có thể tốt hơn mà không có Vương quốc Anh”, ông Obama nói. Tổng thống Obama cũng cho rằng Anh cũng sẽ mất đi nhiều lợi thế về kinh tế và chính trị nếu đứng ngoài EU.

Thủ tướng Đức Angela Merkel là người ủng hộ ông Jean-Claude Juncker nhưng bà đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn giữa ông Jean-Claude Juncker và nước Anh. Trước đó, ông Cameron đã sử dụng một cuộc họp của G7 tại Brussels (Bỉ) để cố gắng ngăn chặn ông Jean-Claude Juncker trở thành chủ tịch EC.

Trong trường hợp lãnh đạo các quốc gia thành viên không tìm được sự đồng thuận về các ứng viên của chức chủ tịch EC, EU sẽ rơi vào khủng hoảng thể chế. Cuộc bầu cử EP vừa qua với kết quả những đảng cực hữu giành được số ghế khá cao (chiếm 1/3 EP) cho thấy, nhiều thành viên trong EU đang mất kiên nhẫn với các chính sách chung của EU, trong đó có việc áp dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng.

Có lẽ ông Jean-Claude Juncker đã trở thành nạn nhân đầu tiên của trào lưu chống liên bang của EU.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục