Trào lưu phá giá nội tệ

Cuối tuần qua, Liên đoàn công nghiệp Thái Lan (FTI) đề nghị Ngân hàng trung ương áp dụng gói bảy biện pháp ngay trong tuần này để đối phó với tình trạng đồng baht tăng giá. Trong khoảng thời gian từ 21-12-2012 đến 17-1-2013, đồng baht đã tăng 3,13% so với đồng USD, mức tăng cao nhất ở khu vực châu Á, dẫn đến tổn thất đối với việc xuất khẩu nhiều ngành hàng quan trọng.

Thái Lan không phải là nước đầu tiên nghĩ đến việc kìm giá đồng nội tệ để bảo vệ xuất khẩu, nỗ lực thúc đẩy kinh tế. Trước đó, Chính phủ Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục can thiệp thị trường để đồng yên tiếp tục tuần giảm thứ 11 so với USD trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, bất chấp chỉ trích từ quốc tế. Thủ tướng Shinzo Abe ngay sau khi nhậm chức đã đặt trọng tâm là tăng cường chi tiêu công và nới lỏng mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đạt tỷ lệ lạm phát 2%/năm. Tháng 10-2012, Brazil liên tục tăng thuế đánh vào các nhà đầu tư nước ngoài mua trái phiếu nước này nhằm hạn chế dòng vốn ngoại đổ vào.

Thực tế, các dòng tiền nóng đua nhau tìm đến các nền kinh tế mới nổi để tìm mức lợi tức cao hơn đã  làm tăng tỷ giá đồng tiền, đồng thời làm giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu của các quốc gia trên. Hiện căng thẳng tiền tệ giữa Trung Quốc và đối tác thương mại lớn nhất của mình là Mỹ, vẫn tập trung quanh chuyện Trung Quốc định giá quá thấp đồng nhân dân tệ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Mỹ.

Trong cuốn sách Chết vì Trung Quốc, có chương Chết vì đồng nhân dân tệ: Ngọa hổ, tàng long, hai tác giả người Mỹ Peter Navarro và Greg Autry cho biết, Bắc Kinh đạt được thặng dư mậu dịch là nhờ duy trì chính sách can thiệp để gắn chặt đồng nhân dân tệ với USD. Trung bình, mỗi ngày, Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn 1 tỷ USD so với xuất khẩu, vì thế, thâm hụt thương mại Mỹ ngày càng cao.

Gần đây, Cục dự trữ liên bang Mỹ cũng phải áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ QE3 để bảo vệ thị trường xuất khẩu, bảo vệ việc làm cho người lao động. Tháng 12-2012, các thành viên G-10 gồm các nước: Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ đã phát ra những tín hiệu rằng họ sẽ can thiệp thị trường nhằm kìm giá nội tệ trước làn sóng nới lỏng định lượng toàn cầu.

Hai nhà kinh tế thuộc CIBC là Adam Cole và Elsa Lignos cho biết có nhiều bằng chứng cho thấy tỷ giá hối đoái đóng vai trò lớn hơn trong quyết định chính sách của các Ngân hàng Trung ương. G-10 nhiều khả năng sẽ theo chân các nước mới nổi tăng cường can thiệp thị trường tiền tệ hoặc ít nhất điều chỉnh chính sách hối đoái.

Rõ ràng, kìm giá nội tệ là nhu cầu của từng quốc gia để bảo vệ quyền lợi kinh tế trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, áp lực tạo việc làm, thúc đẩy sản xuất ngày càng lớn. Vì thế mà gần đây, nhiều nhà hoạch định chính sách kinh tế của nhiều nước đã cảnh báo về nguy cơ nổ ra cuộc chiến tranh tiền tệ khi các ngân hàng trung ương mất dần tính độc lập, phải liên tục can thiệp thị trường tiền tệ bằng cách phá giá nội tệ.

Thực chất, nới lỏng kinh tế tạm thời có thể kiềm chế đà suy thoái, giải quyết khủng hoảng và chống đổ vỡ thị trường. Nhưng về dài hạn, nó sẽ khiến một quốc gia bị tụt lại. Hậu quả là dẫn đến chiến tranh tiền tệ, biến động tỷ giá và áp lực lạm phát lên các quốc gia, càng làm cho tình hình thêm tồi tệ.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục