Trao quyền cho phụ nữ nông thôn

“Nhiều lúc tôi muốn từ bỏ tất cả. Có nhiều chính sách hỗ trợ dành cho nam giới nhưng với chúng tôi thì ngược lại, mặc dù rất nhiều phụ nữ sống nhờ nghề nông”, hãng tin IPS trích lời bà Aura Canache, một nữ nông dân ở Venezuela. Bà Canache năm nay 73 tuổi nhưng vẫn điều hành một trang trại có 50 gia súc, 50 con cừu, 40 con ngựa, một đàn thỏ, 2 ao cá và nhiều thửa ruộng lớn.

Sau trận lũ năm 2010, người phụ nữ góa chồng cách đây 25 năm này cũng như các phụ nữ hàng xóm gặp nhiều khó khăn bởi vì bên cho vay, dù là nhà nước hay tư nhân, chỉ cấp vốn và máy kéo cho đàn ông.

Nông dân ở châu Mỹ Latinh đang có xu hướng nữ hóa nhưng gần như không có chính sách hỗ trợ phụ nữ làm nông. Ngành nông nghiệp đang hiện đại hóa, phát triển và tạo ra thu nhập nhưng nguồn tiền ấy lại chưa được phân phối công bằng. Điều này khiến hàng triệu phụ nữ làm kinh tế giỏi nản lòng, như bà Canache.

Theo Fernando Soto, một quan chức cấp cao của Tổ chức Lương nông LHQ (FAO), ở Mexico, phụ nữ làm việc đồng áng trung bình 89 tiếng/tuần, trong khi đàn ông chỉ làm việc 58 tiếng. Tuy nhiên, gần 40% trong số đó lại không có khoản thu nhập riêng nào, trong khi tỷ lệ này ở đàn ông chỉ có 14%. Sự bất bình đẳng này cũng diễn ra tương tự ở các nước khác.

Sự bất bình đẳng còn thể hiện qua điều kiện làm việc của những phụ nữ trong những vườn cây ăn trái, một trong số các lĩnh vực nông nghiệp phát triển nhanh nhất ở khu vực. FAO đã tiến hành khảo sát tại 3 nước Argentina, Brazil và Chile, kết quả cho thấy tình hình rất tồi tệ: số tiền phụ nữ được trả thấp hơn mức lương tối thiểu trong khi khối lượng công việc ngày càng tăng, thêm vào đó họ không có bảo hiểm y tế và cũng không được quan tâm về mặt an toàn lao động.

Một vấn đề khác của những phụ nữ làm nông là họ thường khó đứng tên đất đai của mình. Theo FAO, chỉ 11% phụ nữ nông thôn ở Brazil được quyền sở hữu đất, 22% ở Mexico và 27% ở Peru. Trong khi các công ty nông nghiệp do phụ nữ điều hành lại xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ đói nghèo ở vùng quê, con số vốn đã chiếm một nửa số người nghèo ở hầu hết các nước trong khu vực.

Thế giới đã và luôn nỗ lực đấu tranh cho quyền lợi của phái yếu. Những số phận như của bà Canache sẽ được đưa ra thảo luận trong phiên họp lần thứ 56 của Ủy ban vai trò của phụ nữ (CSW) được tổ chức tại trụ sở LHQ từ ngày 27-2 đến ngày 9-3 tới. Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 năm nay cũng sẽ lấy khẩu hiệu “Trao quyền cho phụ nữ nông thôn để giảm đói nghèo”.

Khẩu hiệu này vừa kêu gọi vừa nhấn mạnh vai trò của phụ nữ vì theo Giám đốc điều hành Tổ chức Phụ nữ LHQ, bà Michelle Bachelet, nếu phụ nữ được quyền tiếp cận công bằng với những nguồn như tín dụng, hạt giống và phân bón thì sản lượng của những trang trại sẽ tăng lên 30%. Giống như các nước đang phát triển, trang trại tư nhân lại là nguồn cung cấp lương thực chính ở Mỹ Latinh, cho một nửa trong số 600 triệu miệng ăn ở khu vực.

Vì thế, trao quyền cho phụ nữ nông thôn có thể giúp 150 triệu người không bị đói.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục