Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, được xây dựng công phu, bố cục chặt chẽ, nội dung phản ánh đầy đủ, toàn diện các lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội, đồng thời kiểm điểm nghiêm túc quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015. Đặc biệt, dự thảo Báo cáo thể hiện kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng nghiêm túc, chặt chẽ với quyết tâm chính trị cao, tạo được chuyển biến bước đầu quan trọng.
Xuyên suốt dự thảo Báo cáo, tinh thần năng động, mạnh dạn đi trước được thể hiện nhất quán, điển hình là việc xây dựng mô hình “TPHCM có chất lượng sống tốt”. Theo tôi, đây là nét nổi bật trong mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2015-2020 của Đảng bộ TPHCM. Từ mục tiêu này, toàn bộ các chỉ tiêu cũng như giải pháp thực hiện cũng được thể hiện một cách tập trung với mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng sống cho người dân. Tuy nhiên, theo tôi không thể không đề cập thêm yếu tố “nhân văn”, bởi chất lượng sống tốt phải đi kèm với “nhân văn”. “Nhân văn” tức là phải đảm bảo an toàn, an ninh, an sinh cho nhân dân. Có như vậy người dân mới yêu quý gắn bó, cống hiến cho thành phố, giúp TPHCM trở thành một thương hiệu, thu hút người giỏi đến ngày càng nhiều.
Phố đi bộ, một công trình vừa đi vào hoạt động, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi của người dân. Ảnh: VIỆT DŨNG
Riêng về chất lượng sống tốt, theo tôi, dự thảo Báo cáo chính trị cần nâng lên hơn nữa, phải đạt mức “chất lượng sống thông minh”. “Chất lượng sống thông minh” đó chính là sự sáng tạo, sự khai phóng, sự làm chủ và sự hưởng thụ đạt đến mức cao nhất của con người.
Dự thảo Báo cáo chính trị cũng phải nhìn thẳng hơn vào sự thật cũng như những thách thức mà thành phố phải đối mặt khi triển khai xây dựng “TPHCM có chất lượng sống tốt”. Trên thực tế, TPHCM đang thiếu: mảng xanh đô thị, giao thông thông minh và lợi ích công cộng. Chúng ta đang sống trong một thành phố mà người dân chỉ biết lao động cống hiến vì thiếu nơi vui chơi giải trí, cụ thể là thiếu nhà hát, công viên, sân vận động thể thao, khu vui chơi giải trí cho người già, trẻ em. Nếu thẳng thắn phân tích thì thử hỏi thành phố chúng ta đã xây dựng được thêm bao nhiêu công viên mới từ sau năm 1975? Chúng ta xây dựng được bao nhiêu tổ hợp, liên hợp thể thao đa năng để mọi người đến luyện tập? Chúng ta xây dựng được bao nhiêu khu để người dân có thể đến cắm trại, hội trại?... Có được ý tưởng rồi thì phải chuẩn bị tốt nguồn nhân lực tương xứng cũng như dự trù được kinh phí để triển khai xây dựng. Riêng về đội ngũ nguồn nhân lực thì theo tôi cần đề xuất tăng thêm quyền cho những người đứng đầu các cấp, để họ có đủ lực triển khai nhiệm vụ. Bởi muốn làm được tất cả các kế hoạch đặt ra, khâu đầu tiên và quan trọng là phải chọn được người đức - tài đứng đầu cho tương xứng. Họ vừa phải là người lãnh đạo, vừa phải là người quản lý, vừa phải là tư lệnh trên các lĩnh vực, đồng thời họ phải lăn lộn, gắn bó với người dân, sâu sát công việc. Họ phải có tâm huyết, trách nhiệm, sức khỏe, dám làm dám chịu trách nhiệm, kể cả phải mất chức.
Chúng ta cần có cơ chế mới trong công tác cán bộ. Mạnh dạn tổ chức tranh cử để chọn được người tài thông qua các chương trình hành động của họ. TPHCM cần mạnh dạn đề cập trong dự thảo Báo cáo chính trị những đề xuất, kiến nghị Trung ương cho phép TPHCM có được cơ chế, chính sách riêng để thành phố có đủ thẩm quyền, đủ trách nhiệm thực hiện sự đột phá về công tác cán bộ, từ đó mới có thể dẫn đến những đột phá khác, tạo ra động lực, bệ phóng thúc đẩy TPHCM tiến nhanh, tiến vững chắc, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Bộ Chính trị mong muốn n
Tiến sĩ NGUYỄN VIỆT HÙNG
Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TP
KHIẾT NHUNG (ghi)