(SGGPO). – Sáng nay 1-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Đầu tư công ưu tiên cho nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu
ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị cân nhắc việc thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn vì hàng loạt các bất cập. Đó là tài liệu gửi muộn cho các ĐB, sau khi ĐB đã thảo luận tổ về vấn đề này, tài liệu hàng trăm trang không có thuyết minh, thiếu ưu tiên và trọng tâm, trọng điểm; vốn đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ứng phó với biến đổi khí hậu còn thấp…
Sản xuất dụng cụ y tế tại Cty Nikkiso Việt Nam (100% vốn đầu tư của Nhật Bản) tại KCX Tân Thuận, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng
Còn theo ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), báo cáo của Chính phủ nhận định đầu tư công còn dàn trải, phân tán và đây là điều các ĐB Quốc hội các kỳ trước nêu nhưng đến nay chưa khắc phục được. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thời gian tới, Chính phủ đặt mục tiêu đầu tư tập trung, công khai, minh bạch, ưu tiên các công trình cấp bách…
Đồng ý cao về các mục tiêu này của Chính phủ nhưng ĐB Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng việc phân bổ vốn đầu tư 5 năm tới chưa bám sát quan điểm đầu tư nêu. Cụ thể, nhiều dự án xác định cấp bách trọng điểm nhưng chưa đưa vào để đầu tư như ứng phó biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên, ĐBSCL. Đặc biệt khu vực đồng ĐBSCL đang bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và theo tính toán đến năm 2050 có đến 2/3 diện tích trồng lúa ngập mặn nhưng trong kế hoạch đầu tư, vốn bố trí ít. Nếu vùng này không được đầu tư đồng bộ khó mang lại hiệu quả, khó giữ được vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực. Qua đợt hạn nặng vừa qua, nhiều nơi ở ĐBSCL 80% người dân bỏ quê kiếm việc nơi xa. Vì thế, người dân đang kỳ vọng Chính phủ, bộ, ngành và kiến nghị Chính phủ ưu tiên đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng thủy lợi, cứu ĐBSCL và vùng lúa trọng điểm cả nước.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), nhấn mạnh, báo cáo của Chính phủ và thẩm tra chưa có đánh giá cụ thể bao nhiêu dự án hiệu quả, thua lỗ, bao nhiêu dự án điều tra, truy tố… Phải có đánh giá cụ thể thì mới xem xét được trách nhiệm cá nhân, ngăn chặn thất thoát vốn. Báo cáo nêu 5 dự án làm “tiêu tan trên 30.000 tỷ đồng”. Cách báo cáo chỉ nêu chung chung thì mới chỉ là "bắn chỉ thiên", không truy được trách nhiệm, không tạo ra đột phá làm chuyển biến nhận thức về vốn đầu tư, nhất là chống tham nhũng, lãng phí.
ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đề nghị, đầu tư công thời gian tới cần quan tâm lợi thế nông nghiệp để phục vụ trong nước, xuất khẩu bởi 5 năm tới, trong các yếu tố quyết định phát triển kinh tế thì nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng khi mà 70% lao động nông thôn.
ĐB Trần Văn Quý (Hưng Yên) nhấn mạnh, đầu tư công trung hạn thời gian tới nên tập trung ưu tiên dự án đang đầu tư, dự án mới cần hết sức cân nhắc. Trong đó, quan tâm dự án có tính liên kết vùng, tỉnh, thành, quốc lộ lớn…
Để phát huy hiệu quả vốn đầu tư, ĐB Quý đề nghị trao trách nhiệm sử dụng, trả nợ vố ODA cho địa phương, tránh áp lực trả nợ của trung ương. Điều này sẽ khiến cho các địa phương có trách nhiệm hơn trong trả nợ, với cử tri, nhân dân trong tỉnh.
Lo nợ công vượt ngưỡng cho phép
Chia sẻ vấn đề ngân sách nhà nước, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam), lo lắng khi nợ công đã lên đến 64,98%, gần mức trần 65% mà Quốc hội đưa ra; nợ Chính phủ 53,1% GDP, trong khi ngưỡng cho phép là 50%. Trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra (6,7%) thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn. Trong khi đó, chi trả nợ giai đoạn 2011-2015 tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2006-2010, dự báo chi trả nợ sẽ tăng cao hơn giai đoạn tới.
Theo ĐB Phạm Phú Quốc (TPHCM), để giảm nợ công thì việc nuôi dưỡng tăng thu, giảm chi là quan trọng. Thu ngân sách thời gian qua, Việt Nam vẫn phụ thuộc vào tài nguyên, giá dầu thô, xuất nhập khẩu mà đây là những lĩnh vực khó đột biến trong 5 năm tới, vì vậy, thu ngân sách sẽ chỉ còn hướng đến lĩnh vực sản xuất trong nước. Trong khi đó, Chính phủ đặt đẩy mạnh chính sách khởi nghiệp với mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp trong 5 năm tới và như vậy đòi hỏi nới lỏng chính sách tiền tệ nên tăng thu là khó.
Trao đổi thêm với các ĐB, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng việc nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn như đánh giá là hoàn toàn đúng. Nguyên nhân là tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch đề ra nên làm tỷ lệ nợ công tăng; tái cơ cấu kinh tế chưa đạt kế hoạch; giảm thuế do hội nhập nên giảm thu thuế; chi thường xuyên tăng nhanh… Chính vì vậy, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung hoàn thiện chính sách bằng việc sẽ trình dự thảo Luật quản lý nợ công; đẩy mạnh tái cơ cấu nợ công với việc đẩy mạnh nợ trong nước (hiện 57%) giảm nợ nước ngoài (43%) cũng như tái cơ cấu kỳ hạn, lãi suất…
HÀ MY