Song song với việc tổ chức cho học sinh (HS) trung học cơ sở (THCS) thi tuyển vào các trường trung học phổ thông (THPT) công lập, phòng giáo dục và các trường THCS phải nỗ lực phân luồng học sinh vào các trường nghề, giáo dục thường xuyên và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Tuy nhiên, trong nhiều năm thực hiện phân luồng, các phòng giáo dục và nhà trường đều gặp phải những rào cản.
Thi xong rồi tính!
Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp, chia sẻ: “Nhiều năm hướng nghiệp, phân luồng học sinh vào các trường nghề, giáo dục thường xuyên hoặc trung cấp chuyên nghiệp, chúng tôi gặp phải nhiều rào cản tâm lý của phụ huynh và HS. Họ muốn con em mình phải thi tuyển vào lớp 10 các trường công lập trước, nếu rớt mới tính đến con đường khác”.
Không riêng gì Trường THCS Nguyễn Du, các trường khác cũng gặp phải tình trạng tương tự. Phụ huynh, HS vẫn cương quyết thi tuyển vào lớp 10 dù biết học lực và khả năng của con em mình không thể thi đậu. Nhiều phụ huynh chia sẻ: “Nếu học trường dân lập, học phí đắt đỏ nên không phải ai cũng có khả năng. Còn học trung tâm thì hệ thống giáo dục không được tốt làm sao có cơ hội bước chân đến cửa đại học (ĐH)?”.
Ông Thanh phân tích: “Trong một xã hội còn nặng tâm lý bằng cấp, có thể hiểu vì sao việc phân luồng học sinh THCS vào trường nghề, TCCN lại trầy trật. Nhưng nói đi phải nói lại, những chính sách ưu đãi cho đào tạo nghề hiện nay chưa đủ thuyết phục phụ huynh, học sinh lựa chọn học nghề”. Hiện nay, học phí các trường lớp 10 công lập dao động ở mức 90.000 - 120.000 đồng/tháng, giáo dục thường xuyên thấp hơn, chỉ ở mức 65.000 - 70.000 đồng/tháng. Trong khi đó, học phí trường nghề và TCCN một năm 2.000.000 - 4.000.000 đồng. Chị Huỳnh Thị Kim Liên, phụ huynh HS một trường THCS quận 7, tâm sự: “Nếu con tôi thi rớt lớp 10, một là cho nghỉ học, hai là học bổ túc văn hóa, chứ tiền đâu học nghề?”.
Dù hiện nay nhà nước đã có chế độ chính sách cho học viên học nghề vay 8,6 triệu đồng/năm để trang trải học phí, tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, phụ huynh chưa nắm hết thông tin này nên ngần ngại cho con em học nghề. Mặt khác, các trường TCCN, trường nghề vẫn chưa chủ động tìm đến trường THCS để quảng bá thông tin. Ngoài ra, yếu tố chất lượng đào tạo là nguyên nhân quan trọng khiến phụ huynh, học sinh còn quay lưng lại với TCCN cũng như trường nghề.
Đẩy mạnh tư vấn phân luồng
Để thay đổi tâm lý phụ huynh, học sinh, nhiều trường và phòng giáo dục đã quyết không để tình trạng HS ngồi nhầm lớp. Ông Trần Ngọc Vân, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Tuấn, quận 7, chia sẻ: “Mấy năm gần đây, đối với HS trung bình, yếu, nhà trường đã phân tích và tư vấn cho các em đăng ký vào các trường TCCN hoặc trường nghề ngay từ đầu, thay vì đăng ký nguyện vọng thi vào lớp 10. Phương châm của chúng tôi là thà giải quyết từ sớm, còn hơn là để các em thi rớt”.
Nhiều quận đã thành lập ban chỉ đạo tư vấn phân luồng để đẩy mạnh và triển khai hiệu quả đến từng các cấp. Quận Tân Phú là một trong những địa phương điển hình của công tác phân luồng. Quận đã chủ động xây dựng đề án phân luồng HS sau THCS-THPT, lập kế hoạch thực hiện, chọn lựa các đơn vị liên thông từ TCCN lên CĐ, ĐH để định hướng nhiều con đường đi cho HS, tư vấn từng HS lớp 9 trong việc định hướng và chọn nghề trong tương lai.
Đặc biệt tại Phú Nhuận, đã có chính sách khuyến khích HS vào TCCN, học nghề. Những HS này sẽ được hỗ trợ 50-100% học phí. Ông Ninh Văn Bình, Trưởng phòng Giáo dục quận Phú Nhuận, cho biết: “Kinh nghiệm hướng nghiệp và phân luồng của chúng tôi là sau khi kết thúc học kỳ 2, chúng tôi mời phụ huynh, HS đến trường tư vấn chọn trường, chọn nguyện vọng cho phù hợp. Song song đó, mời các trường TCCN, trường nghề đến các trường THCS để tư vấn, thông tin nghề nghiệp. Sau khi có kết quả thi tuyển lớp 10, chúng tôi lại tiếp tục tư vấn để mở thêm hướng đi cho HS”.
Theo ông Phạm Ngọc Thanh, chủ trương phân luồng cần được thể chế hóa để các cấp, các ngành cùng tham gia. Đặc biệt hiện nay, bên cạnh ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, mỗi quận huyện cần có ban chỉ đạo tư vấn phân luồng để triển khai mạnh hơn, hiệu quả hơn công tác phân luồng HS sau THCS-THPT. Ngoài ra, các trường THPT, phòng giáo dục cần chú ý hơn nữa công tác “hậu phân luồng” đối với những trường hợp thi đậu vào lớp 10 nhưng sau đó nghỉ học, bỏ học vì hoàn cảnh gia đình hoặc khả năng không thể theo hết chương trình THPT.
Anh Khoa