Khi bé T. tròn 1 tuổi, hai vợ chồng chị H. đều làm bác sĩ ở một bệnh viện lớn tại TPHCM, đã giao hẳn cho người giúp việc ở nhà trông nom. Chị H. suốt ngày lu bu với công việc và chở bé lớn đi học nên chẳng còn thời gian để quan tâm tới bé T., còn cha thì lại đi tu nghiệp ở nước ngoài. Lúc 1 tuổi bé T. đã biết gọi ba, nhưng đến khi 2 tuổi bé lại không hề nói chuyện, không thích chơi với bạn, cần gì thì chỉ la hét… Bé T. là một trường hợp trong nhiều trường hợp bị mắc bệnh tự kỷ về ngôn ngữ đang có xu hướng gia tăng tại TPHCM.
Chậm phát hiện trẻ bị tự kỷ
Trường hợp bé T. chỉ được phát hiện khi bé vào học tại trường mầm non Vàng Anh. “Nhìn bé mặt mũi rất sáng sủa, thể lực phát triển tốt cả về chiều cao lẫn cân nặng, nhưng bé lại chậm phát triển về ngôn ngữ…”, cô Vũ Thị Xuân Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vàng Anh (quận 5) cho biết. Gần đây nhất là trường hợp của 2 anh em sinh đôi đã được 3 tuổi, cha mẹ cũng suốt ngày lo công việc nên giao phó con cho bà dì đã 60 tuổi trông nom. Khi 2 anh em vào học tại trường mầm non thì chỉ thích ngồi im, ít nói, la hét thường xuyên, không thích chơi trò chơi như các bạn mà chỉ thích chơi một trò chơi đơn giản duy nhất trong ngày.
Ngày được thông báo con bị bệnh tự kỷ, dường như không phụ huynh nào tin đó là sự thật. Cả 2 phụ huynh cho biết, con của họ ở nhà với người làm, thậm chí ở nhà với người lớn tuổi lại ít nói, do đó các bé thường xuyên ngồi im xem tivi với những âm thanh quảng cáo. Lâu nay, họ đều không nghĩ những điều này lại làm hại chính con của mình. đáng lo ngại là nhiều phụ huynh không hề biết con mình bị mắc bệnh, chỉ khi vào học ở trường thì mới được phát hiện.
Ghi nhận tại một số trường mầm non ở TPHCM cho thấy cũng có nhiều trường hợp tương tự. Cô Trần Thị Bạch Tuyết, Hiệu trưởng Trường Mầm non 9 (quận 11), băn khoăn: “Trường có lớp dành riêng cho trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật nhưng mấy năm trước xin vào học ở các lớp này chủ yếu là những học sinh bị bệnh thiểu năng, đao… Những năm gần đây, đa số các em xin vào chủ yếu là mắc bệnh tự kỷ. Có trường hợp gia đình phát hiện bệnh, nhưng cũng có trường hợp cha mẹ không hề hay biết, ngay cả khi bé có những biểu hiện cha mẹ xa lạ với mình”.
Các cô giáo dạy trẻ tự kỷ trăn trở nhiều nhất là tình trạng còn có những phụ huynh không vượt qua được sĩ diện cá nhân nên vẫn khẳng định con họ bình thường. Đối với những trường hợp này, chỉ làm cho trẻ bị bệnh nặng hơn, do không được chữa trị tại các bệnh viện, trung tâm hoặc học ở những trường có dạy trẻ tự kỷ. Tại TPHCM, các trường mầm non đều được chỉ đạo phải nhận trẻ tự kỷ học hòa nhập đối với những trường hợp trẻ bị bệnh nhẹ.
Dấu hiệu giúp phát hiện bệnh sớm
Những trường hợp trẻ dễ bị mắc bệnh tự kỷ do có tổn thương bất thường ở não, ngạt khi sinh, sang chấn do can thiệp sản khoa, sinh non, vàng da, khuyết tật tâm thần, động kinh, người mẹ khi mang thai nhiễm virus, nhiễm độc... Tuy nhiên, tại các buổi hội thảo, chuyên đề về bệnh tự kỷ, ý kiến của nhiều bác sĩ, chuyên gia tâm lý đều nêu lên thực trạng báo động, phần lớn trẻ mắc bệnh này đều sinh ra trong những gia đình khá giả, giàu có, cha mẹ luôn bận rộn với công việc làm ăn nên ít có thời gian gần gũi trẻ. Đáng lưu ý, số trẻ ở TPHCM bị mắc bệnh này nhiều hơn các tỉnh.
Đề cập tới những yếu tố, nguy cơ dẫn đến căn bệnh này, theo nhiều chuyên gia, đó là do cha mẹ bận rộn với công việc đã tách con ra quá sớm, trong khi trẻ từ một tuổi là tuổi học ăn học nói, đòi hỏi cha mẹ hoặc người nuôi trẻ không chỉ quan tâm đến sinh lý, mà cần phải quan tâm cả đến sự phát triển về tâm lý của trẻ. Dấu hiệu trẻ mắc bệnh tự kỷ là chậm nói (2- 3 tuổi vẫn chưa biết nói), hay nói lặp, cách hiểu đơn giản, thiếu quan hệ tiếp xúc về mặt tình cảm với người khác, không bao giờ nhìn thẳng vào người đối diện. Những trẻ này thường say mê một vật gì đó quá đáng, lúc nào cũng giữ và ôm khư khư trong tay. Bé rất thích sắp xếp đồ vật theo thứ tự, ngăn nắp một cách kỳ lạ và có biểu hiện hung hăng khi thứ tự đó bị xáo trộn.
Theo bà Mare-Claude Devaux, nhà chỉnh âm UPPA Bệnh viện Ste-Anne Paris: Tình trạng này có thể phát hiện sớm nếu cha mẹ thường xuyên chú ý đến trẻ. Nếu gia đình phát hiện bệnh sớm và có biện pháp chữa trị kịp thời sẽ giúp trẻ hội nhập tốt hơn. Trong đó, mối quan hệ tương tác giữa cha mẹ với trẻ rất cần thiết, cha mẹ là người đầu tiên gần gũi và giúp trẻ hiểu được ngôn ngữ cơ bản. Việc phát hiện sớm bằng quan sát trên lâm sàng có thể hình dung ra và điều trị sớm sẽ rất quan trọng trong việc uốn nắn và phát triển nhân cách của trẻ sau này. Nếu được điều trị sớm, trẻ có thể hòa nhập được với cộng đồng, tự lập trong cuộc sống, còn nếu không được điều trị trẻ sẽ không nói được, sống lệ thuộc vào sự chăm sóc của người khác.
Những trường hợp trẻ bệnh nặng, cần phải đến chuyên khoa của Bệnh viện Nhi đồng, các cơ sở giáo dục đặc biệt… để được hướng dẫn tập luyện bởi đội ngũ nhiều chuyên gia có kinh nghiệm như bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ tâm thần nhi, nhà tâm lý, cán bộ phục hồi chức năng, nhà trị liệu ngôn ngữ, giáo viên giáo dục đặc biệt. Cha mẹ trẻ cần kết hợp chặt chẽ với các nhà chuyên môn để tạo hiệu quả tốt trong việc tập luyện.
Lê Linh