Trẻ đọc ngọng vì máy dạy phát âm

Gần đây, nhiều bạn đọc phản ánh sản phẩm máy dạy phát âm tiếng Việt (do Trung Quốc sản xuất) đang được bày bán tại nhiều cửa hàng đồ chơi, chợ và xe bán hàng rong trên địa bàn TPHCM. Điều đáng lo ngại là hầu hết sản phẩm này dạy trẻ đọc ngọng, phát âm sai. Thế nhưng nhiều phụ huynh không chú ý quan tâm, vẫn mua cho các cháu bé học phát âm.
Trẻ đọc ngọng vì máy dạy phát âm

Gần đây, nhiều bạn đọc phản ánh sản phẩm máy dạy phát âm tiếng Việt (do Trung Quốc sản xuất) đang được bày bán tại nhiều cửa hàng đồ chơi, chợ và xe bán hàng rong trên địa bàn TPHCM. Điều đáng lo ngại là hầu hết sản phẩm này dạy trẻ đọc ngọng, phát âm sai. Thế nhưng nhiều phụ huynh không chú ý quan tâm, vẫn mua cho các cháu bé học phát âm.

        Dạy trẻ phát âm sai

Từ phản ánh của bạn đọc, chúng tôi thử đi tìm mua máy dạy trẻ phát âm (dưới dạng đồ chơi học chữ) và giật mình khi thấy trên thị trường đang có đủ thứ sản phẩm dạy trẻ phát âm tiếng Việt nhưng sản xuất tại… Trung Quốc. Tại một số tuyến đường như Vĩnh Viễn (quận 10), Trường Chinh (quận Tân Bình, quận 12) và xung quanh các chợ Trần Bình, Bình Tây (quận 6)… bày bán khá nhiều mặt hàng dạy đọc chữ dưới hình dạng như máy tính bảng, bộ bảng lắp ghép (điện tử khổ lớn)…

Sản phẩm dạy trẻ đọc ngọng, phát âm sai được nhiều phụ huynh mua cho các cháu bé học phát âm.

Sản phẩm dạy trẻ đọc ngọng, phát âm sai được nhiều phụ huynh mua cho các cháu bé học phát âm.

Tại cửa hàng chuyên doanh đồ chơi trẻ em cạnh chợ Trần Bình (quận 6), người bán chào hàng sản phẩm có tên rất kêu “máy tính thông minh”, là một mô hình như máy tính bảng, có gắn kèm hình ảnh cua, cá, trâu, bò cùng những con số. Chỉ việc khởi động máy, ấn tay vào chữ nào thì máy sẽ phát âm chữ đó. Thoạt nhìn chiếc máy đọc chữ có vẻ khá tiện dụng, giá chỉ 120.000 - 130.000 đồng/chiếc nên phụ huynh không ngại ngần chọn mua. Tuy nhiên, khi mua về dùng thử mới phát hiện ra vô số lỗi sai cơ bản. Chẳng hạn, các chữ cái như C, D, G đều phát âm là C và các chữ Ô và Q đều phát âm là Ô, không có sự phân biệt. Chưa hết, máy có thêm tính năng đố chữ, nhưng thực sự rất khó trả lời đúng câu hỏi dù người học đã đọc thông viết thạo. Ngoài ra, các chữ in trên máy sai tràn lan, viết hoa và viết thường tùy tiện… Chị Ngô Lan Vân (ngụ tại Bà Điểm, Hóc Môn) phản ánh: “Hôm trước, chợt nghe con gái 5 tuổi đọc ngọng, tôi quá ngạc nhiên, bởi lâu nay cháu phát âm chuẩn, rất ít mắc lỗi. Tìm hiểu tôi mới phát hiện “thầy dạy” cháu phát âm sai chính là chiếc máy dạy phát âm, nên tôi lén con đem cho ve chai. Việc vô ý để trẻ học phát âm bằng các máy lôm côm này là sai lầm rất khó sửa chữa”.

Khi phản ánh về việc máy phát âm dạy trẻ phát âm sai, một số phụ huynh cho biết, để con vui nên sẵn sàng mua nhiều đồ chơi cho con nhưng đã chủ quan không nghĩ trên thị trường lại có những sản phẩm tác động không hay đến việc phát âm của trẻ. Cô Vũ Ngọc Nguyên Hòa, giáo viên Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3), lưu ý: “Phụ huynh cần uốn nắn, hướng các cháu đọc đúng, chuẩn ngay từ bé để tránh được những cố tật khó sửa sau này; giúp các cháu giao tiếp tự tin, hoạt bát hơn. Trên thị trường có các loại thiết bị tập đọc chữ, tập đánh vần (gồm tiếng Việt và các thứ tiếng nước ngoài khác) nhưng chất lượng quá kém. Nếu phụ huynh không sâu sát việc học tập của con trẻ sẽ rất khó phát hiện những lỗi sai không đáng có ở các sản phẩm gắn mác “đồ chơi giáo dục” này”.

        Trách nhiệm của ai?

Rõ ràng việc mua cho con trẻ các sản phẩm dạy đọc không đạt chuẩn vô tình làm hại con. PGS-TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, cho rằng: “Việc tạo ra những thiết bị dạy học quy chuẩn là yêu cầu rất quan trọng. Nếu thiết bị này phù hợp sẽ tạo điều kiện thuận lợi để trẻ phát triển. Ngược lại, nếu thiết bị không đạt chuẩn về kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến thị lực, thính lực người sử dụng. Hơn nữa, thiết bị không chuẩn về mặt thao tác sử dụng, thao tác mẫu còn ảnh hưởng đến giọng nói, phát âm… nói riêng, ngôn ngữ nói hay ngôn ngữ viết nói chung”.

Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM, khẳng định: “Lực lượng QLTT vẫn thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm đồ chơi trẻ em độc hại. Tuy nhiên, nội dung sản phẩm đồ chơi ra sao, tác động thế nào đến trẻ em thuộc trách nhiệm của những đơn vị khác, không thuộc thẩm quyền quản lý của Chi cục QLTT”. Ông Trần Văn Xiêm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng hàng hóa miền Nam, cho biết: “Việc trên thị trường có các sản phẩm dạy trẻ đọc ngọng, phát âm sai mà phóng viên Báo SGGP nêu là việc khá mới, chúng tôi sẽ tìm hiểu và trả lời sau”.

Để giúp trẻ phát âm chuẩn, đọc thông, viết thạo tiếng Việt nói riêng và ngoại ngữ nói chung, các phụ huynh cần sàng lọc kỹ “nguồn” (sách, sản phẩm dạy học…) khi chọn mua cho trẻ sử dụng. Các cơ quan chức năng phải phối hợp kiểm tra, giám sát cẩn trọng chất lượng những sản phẩm dạy học mang tính định hướng, ảnh hưởng tới tương lai các em sau này.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục