Cách đây vài ngày, tại Hà Nội, Công ty Panasonic Việt Nam đã tổ chức lễ trao giải chương trình “Qua ống kính trẻ thơ 2012”. 6 bộ phim ngắn tham dự hoàn toàn “made in học sinh THCS” đều chỉ có hình ảnh, âm thanh, không lời thoại, không đề dẫn, chỉ có những nhân vật, những tình huống diễn ra thường ngày, do chính các em học sinh diễn suất, nhưng thật sự đã làm cho người xem bị ám ảnh. Ám ảnh bởi những thông điệp mà các em muốn truyền tải, không to tát, nhưng rất đáng để người lớn suy ngẫm.
Năm nay, 6 đội thi (đều là học sinh THCS) đã thực hiện những video clip ngắn về đề tài giao tiếp và sinh thái. Trong đó, điểm nhấn của cuộc thi năm nay là các phim ngắn về đề tài giao tiếp. Cả 2 phim về đề tài này đều giành cao nhất của cuộc thi. Giải nhất là phim ngắn mang tên “Tin nhắn mới” của Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam. Mở đầu phim là hình ảnh một cậu bé học sinh đang nằm ngủ thì nhận được tin nhắn của mẹ gọi dậy ăn sáng. Sau khi được mẹ phục vụ bữa sáng, cậu bé đến trường và không quên gửi tin nhắn... chào mẹ.
Từ đó cho đến lúc trở về nhà vào buổi chiều, tất cả những người cậu bé gặp đều giao tiếp bằng tin nhắn. Bạn bè, học sinh và cô giáo ở lớp chào nhau bằng tin nhắn; bạn trai - bạn gái, bố mẹ và con cái. Xem phim, người xem cảm nhận một cách sâu sắc thông điệp về sự phụ thuộc quá nhiều của con người vào công nghệ thông tin, dẫn đến một cuộc sống lạnh lùng, thậm chí là vô cảm, để rồi khi công nghệ thông tin bị trục trặc, con người ta cảm thấy mình gần như bất lực trước cuộc sống.
Với cách xây dựng bộ phim hài hước, ngộ nghĩnh, người xem có thể bật những tiếng cười sảng khoái, nhưng hoàn toàn có thể nhận ra, cười đấy nhưng suy ngẫm đấy. Bởi dường như, cuộc sống càng hiện đại thì con người càng ít giao tiếp trực tiếp với nhau hơn, ít quan tâm đến nhau hơn. Và đối tượng bị tổn thương nhiều nhất trong cách giao tiếp đó, không ai khác chính là các em nhỏ.
Cùng chung ý tưởng, bộ phim giành giải nhì mang tên “Vệ sĩ” thể hiện nỗi khát khao được giao tiếp, được yêu thương, được sống trong tình thương của cha mẹ, bạn bè. Hình ảnh một cậu học sinh nhà giàu hàng ngày đến lớp với 2 vệ sĩ lực lưỡng, không được tham gia bất cứ trò chơi nào với bạn bè, về nhà chỉ một mình đối diện với căn phòng vắng lặng do cha mẹ bận làm ăn hiện lên rất đáng thương trong phim. Em chỉ biết nằm đó và mơ đến trận đấu bóng của bạn bè.
Cho đến một ngày, em bện chăn, màn và những gì có thể để trốn khỏi căn nhà cao tầng. Khi mẹ em và các vệ sĩ hoảng hốt đi tìm thì thấy em đang sung sướng chơi bóng với bạn. Hình ảnh người vệ sĩ định xông vào kéo em ra nhưng được người mẹ ngăn lại, nụ cười nở trên môi… là một kết phim rất gợi mở. Nó hoàn toàn có tác dụng thức tỉnh người lớn về những khát khao, nhu cầu thực của trẻ nhỏ.
PHAN THẢO