Ngày 30-12-2010 là hạn chót để chính quyền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61 cho những đối tượng thuê nhà. Thời hạn bán nhà chỉ còn tính từng ngày, thế nhưng trên địa bàn TPHCM có trên 1.500 hồ sơ chưa được xem xét, giải quyết vì vướng các quy định pháp lý, vì cách giải quyết thiếu kiên quyết của cán bộ. Vì nhiều lý do, nhiều trường hợp khác có đủ điều kiện mua nhà cũng đứng trước nguy cơ bị bỏ sót.
Người dân đang ngồi trên lửa
Đã hơn 4 năm nay, ông Lương Duy Thắng ở căn hộ 022 lô 8 chung cư Thanh Đa, quận Bình Thạnh, mang đơn đi hỏi nhiều nơi để làm thủ tục mua nhà nhưng không được giải quyết. Ngày 30-12 là thời hạn bán nhà thuộc sở hữu nhà nước kết thúc, như vậy cơ hội được mua, sở hữu căn nhà đã đóng cửa với gia đình ông. Ông Thắng bức xúc, thời hạn bán nhà đã gần hết nhưng hồ sơ mua nhà của ông vẫn nằm ở Hội đồng Bán nhà quận Bình Thạnh, không biết rồi đây gia đình có đủ tiền để trả tiền thuê theo giá mới hay không.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Nghĩa ở 14 Lê Công Kiều, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, đã nộp hồ sơ mua nhà hơn 6 năm nay vẫn chưa được giải quyết, vì lỡ cho người cháu ở nhờ. Công ty Quản lý nhà quận 1 đưa ra điều kiện sẽ làm thủ tục bán nhà nếu bà chấp nhận cho người cháu mà bà cho ở nhờ cùng đứng tên trong hợp đồng mua nhà. Đồng ý cho đứa cháu ở nhờ (đã có vợ, ở nơi khác từ lâu) cùng đứng tên để được mua nhà, thì sau đó phải bán căn nhà để chia đôi tiền và không có chỗ ở; còn không đồng ý thì ở tuổi thất thập bà làm gì ra tiền để thuê nhà theo giá mới. Đồng ý hay không thì cũng đứng trước nguy cơ không còn chốn nương thân.
Trong khi đó, nhiều hộ dân ở chung cư 213 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, vẫn đang băn khoăn chẳng biết phải làm gì khi hạn mua nhà sắp hết và họ sẽ phải chịu thiệt thòi do lỗi của chính quyền. Nhiều bà con cho biết, từ năm 1978 đã ký hợp đồng thuê nhà với Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP. Theo quy định, họ đều đủ điều kiện để mua nhà theo Nghị định 61, ra đời từ 5-7-1994, thế nhưng đơn vị quản lý không làm thủ tục cho người dân mua nhà mà chỉ gia hạn hợp đồng thuê nhà. Trong thư đề ngày 18-11-2006, Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP trả lời dân rằng không giải quyết bán nhà theo Nghị định 61 vì nơi đây nằm trong khu quy hoạch trung tâm hành chính thành phố theo Quyết định 2769-QĐ-UB ngày 31-7-2006.
Bà con đặt câu hỏi, từ khi có Nghị định 61 đến khi có quyết định quy hoạch nêu trên là 12 năm, ngần ấy năm tại sao cơ quan chức năng không lập thủ tục cho người dân mua nhà theo Nghị định 61? Từ lỗi của cơ quan chức năng mà người dân phải chịu thiệt thòi khi chung cư đang chờ giải tỏa đền bù, ai chịu trách nhiệm? Còn hàng chục hộ dân ở khu cư xá Ngân hàng phường 22, quận Bình Thạnh, đã nhận được thông báo bán nhà từ mấy năm nay, nhưng đến giờ vẫn chưa làm xong hồ sơ mua nhà.
Thiếu hướng dẫn hay làm khó người dân?
Để giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân đang thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần ra văn bản thúc giục thực hiện nhanh việc bán nhà và mốc 30-12-2010 không phải là lần đầu gia hạn. Trong khi Chính phủ quyết liệt với chương trình bán nhà cho thuê thì ở quận huyện, đơn vị xử lý hồ sơ, giải quyết khiếu nại lại chậm, gây nhiều phiền hà cho người dân.
Tại buổi tiếp xúc, giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Nghĩa, ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cùng với các cán bộ tham mưu đã không làm rõ việc “người ở nhờ” có được quyền mua nhà hay không, mà yêu cầu bà Nghĩa cung cấp giấy tờ nhân thân, giấy tờ thể hiện việc bà được bố trí vào ở nhà này. Hồ sơ bán nhà vướng mắc một đằng, cán bộ lại xử lý một nẻo, đã làm cho việc bán nhà rơi vào bế tắc. Trước đó, quận 1 đã đưa ra “tối hậu thư” nếu bà Nghĩa không cho “người ở nhờ” cùng đứng tên thì sẽ tước quyền mua nhà của bà và chỉ bán cho “người ở nhờ” (?).
Còn ông Lương Duy Thắng bức xúc, năm 2007 khi nộp hồ sơ mua nhà, Hội đồng Bán nhà quận Bình Thạnh đưa ra lý do: chủ thuê nhà thứ nhất đã đi xuất cảnh năm 1996 nhưng chưa nộp tiền sang thuê trái phép cho người thuê thứ hai nên không giải quyết hồ sơ bán nhà. Thấy sự từ chối quá vô lý nên ông tiếp tục khiếu nại. Hội đồng Bán nhà lại đưa ra lý do “tạm dừng thủ tục bán căn nhà số 022 theo Nghị định 61 để chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, do nhà bố trí thuê sau ngày 27-11-1992 theo tinh thần công văn 252/BXD-VP ngày 18-12-2008 của Bộ Xây dựng”. Được biết, không riêng trường hợp ông Lương Duy Thắng mà hiện còn hơn 1.500 hồ sơ mua nhà chưa được giải quyết, vì vướng công văn 252/BXD. Người dân cũng như công luận đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan chức năng tháo nút thắt này nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý.
Ngoài ra, nhiều hộ thuê nhà đã bị cơ quan có thẩm quyền từ chối, cố tình không làm thủ tục bán nhà cho người dân, vì nhà đất ở khu vực đó đã có nhà đầu tư để mắt đến, đã có dự án. Người dân ở khu cư xá Ngân hàng quận Bình Thạnh cho biết, quận không làm thủ tục bán nhà cho người dân để dễ dàng khi thực hiện đền bù giải tỏa. Nhà đất vẫn thuộc sở hữu nhà nước nên chủ đầu tư đền bù ít, còn người thuê nhà không có quyền thương lượng trực tiếp mà chỉ được hưởng 60% giá trị đền bù. Trong trường hợp này, quyền lợi của người thuê nhà bị bỏ rơi thì đối tượng được hưởng lợi đầu tiên từ việc không thực hiện bán nhà là các nhà đầu tư.
Nguyễn Hiền