Nhiều người vẫn nghĩ rằng chiến tranh đã lùi xa, nên giờ đây chỉ còn quan tâm chuyện làm giàu, chuyện phát triển. Nhưng thật ra các chiến sĩ của chúng ta vẫn đang hàng ngày, hàng giờ kiên cường và gian nan nơi đầu sóng ngọn gió, gìn giữ từng tấc đất biên cương, từng hòn đảo, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.
Ngày nay, có không ít bạn trẻ thạo công nghệ, thạo tiếng Anh, nhưng lại biết rất lờ mờ về lịch sử dân tộc, không biết cha ông đã dựng nước, đã hy sinh chiến đấu chống các thế lực ngoại xâm thế nào. Có những trang sử dân tộc rất hào hùng, nhưng chưa được biết đến đầy đủ. Có những hy sinh, mất mát vì sự nghiệp chung, nhưng không phải trường hợp nào cũng được biết đến, nhìn nhận và đền đáp. Chúng ta phải luôn đau đáu trách nhiệm không để những sự hy sinh vì nước bị chìm vào quên lãng.
5 năm trước, Trường ĐH Lao động - Xã hội cơ sở TPHCM tổ chức chuyến đi viếng Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 và di tích Thành cổ Quảng Trị. Sau chuyến đi đó, chúng tôi thống nhất đặt mục tiêu mỗi năm sẽ xây một căn nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách để thể hiện ý thức trách nhiệm và tình cảm tri ân. Và nhà trường đã thực hiện được điều đó, đến nay đã xây tặng 5 nhà tình nghĩa và hiện đang xây tiếp căn nhà tình nghĩa thứ 6.
Mỗi lần tặng nhà tình nghĩa, chúng tôi đều vô cùng xúc động khi được nghe những câu chuyện, gặp những con người thật đáng kính phục. Căn nhà tình nghĩa đầu tiên trường chúng tôi xây tặng bà Hồ Thị Hười, 68 tuổi, cựu thanh niên xung phong, ngụ tại ấp Tân Điền, xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Câu chuyện cuộc đời bà, ai cũng xót xa. Chồng bà là liệt sĩ Nguyễn Văn Hai, đã hy sinh chỉ 3 ngày sau đám cưới. Khi đó, bà Hười mới vừa tròn 20 tuổi, nhưng bà đã ở vậy suốt đời, không bao giờ biết đến một hạnh phúc riêng nào khác nữa. Trong căn nhà lợp lá đã cũ nát, ban ngày nắng rọi khắp nhà, vào ngày mưa phải loay hoay tìm một chỗ khô, nhiều năm qua, bà thờ phụng 5 người thân: cha là liệt sĩ, chồng là liệt sĩ, mẹ là Mẹ Việt Nam Anh hùng và 2 anh trai cũng là liệt sĩ. Ngày trao nhà tình nghĩa tặng bà Hười, nhìn người phụ nữ đôn hậu tất tả đón khách trong căn nhà nhỏ mới xây xong, nhìn lên bàn thờ nghi ngút khói hương, chúng tôi nghe lòng quặn thắt vì vẫn thấy mình có lỗi. Người cán bộ lãnh đạo của huyện phân trần: “Đối tượng chính sách ở địa phương nhiều quá, lo không xuể…”.
Căn nhà tình nghĩa thứ hai trường xây tặng ông Giai Nguyên Hiền, là thương binh 4/4 ở 212 khu phố 3 phường Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM. Do hậu quả của chất độc da cam mà ông Hiền nhiễm phải trong chiến tranh, con trai ông bị bại não từ khi mới sinh và phải ngồi xe lăn. Ngày trao nhà tình nghĩa tặng gia đình người thương binh phải chịu nhiều bất hạnh đó, chúng tôi xúc động khi chứng kiến ông nói lời cảm ơn mà cứ nghẹn ngào không thốt ra lời. Thật ra chúng ta phải cảm ơn những con người đã nhận chịu nhiều hy sinh mất mát vì nước như vậy. Mọi sự bù đắp vật chất đều không thay thế được những mất mát hy sinh. Những người từng cầm súng như chúng tôi luôn hiểu rằng, sự trở về của mình sau chiến tranh, thực sự là điều may mắn.
Vẫn cần lắm những bàn tay sẻ chia, cần thêm những chính sách thiết thực, để những người đã cống hiến đời mình cho đất nước và nhân dân được có cuộc sống tốt đẹp hơn.
TS BÙI ANH THỦY
(Giám đốc Trường ĐH Lao động - Xã hội cơ sở TPHCM)