Báo SGGP liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về tình trạng trì trệ khó hiểu trong công tác thi hành án (THA). Sau khi mất nhiều thời gian và công sức, thắng kiện trong vụ án dân sự, bản án có hiệu lực rồi, nhưng nhiều trường hợp người dân lại không được THA, xem như chỉ thắng kiện trên giấy.
Chấp hành viên cũng có quyền tạm hoãn THA?
Theo Luật THA dân sự, việc THA được quy định rất đơn giản: Trong vòng 5 ngày kể từ ngày đương sự nộp đơn đề nghị THA, thủ trưởng cơ quan THA phải ra quyết định thi hành, 2 ngày kế tiếp là ký quyết định phân công chấp hành viên trực tiếp thi hành. Sau 15 ngày, nếu bên THA không tự nguyện thi hành thì cơ quan THA tiến hành cưỡng chế. Quy định là vậy nhưng thực tế thì cơ quan THA có hàng trăm lý do để trì hoãn. Người dân bức xúc thì cứ khiếu nại, nhưng càng khiếu nại lại càng kéo dài thời gian THA, vì cơ quan THA sẽ họp dưới, hỏi trên để hoãn thi hành.
Trường hợp của bà Nguyễn Thị Mà (ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM) là một ví dụ. Sau hơn 3 năm khởi kiện mới có được bản án có hiệu lực, thế nhưng đến nay đã thêm 2 năm nữa, vẫn chưa được THA. Mặc dù cơ quan THA đã ra quyết định cưỡng chế nhưng cứ trì hoãn, không thực hiện. Trước ngày cưỡng chế buộc ông Hà Hồng Phương (bị đơn) tháo dỡ công trình trên đất để giao đất cho bà, chấp hành viên gửi “thông báo tạm hoãn thực hiện việc cưỡng chế THA” với lý do để “xin ý kiến của Ban chỉ đạo THA”. Trong khi theo luật quy định thì chỉ có hoãn THA, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ THA, chứ không có cái gọi là “tạm hoãn”; và phải là quyết định do thủ trưởng cơ quan THA ký, có nêu thời hạn cụ thể. Đằng này, chấp hành viên lại ký “thông báo tạm hoãn” không ghi thời hạn, mà nội dung là ngừng thi hành quyết định cưỡng chế của thủ trưởng của mình! Vậy mà trong quyết định trả lời đơn khiếu nại của bà Mà, Cục THA dân sự TPHCM vẫn cho rằng thông báo tạm hoãn cưỡng chế kia là hợp pháp, mặc cho 10 điểm quy định trong Luật THA dân sự về quyền và trách nhiệm của chấp hành viên thì không có điểm nào cho phép chấp hành viên được ra thông báo hoãn thi hành quyết định của thủ trưởng mình.
Sau thời gian dài việc THA bị “tạm hoãn”, bà Mà đã gửi đơn khiếu nại đến các cấp, tất cả đều trả lời “thi hành theo bản án”, thế nhưng Trưởng ban chỉ đạo THA - đồng thời là Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh - đã không hỗ trợ cưỡng chế, vì muốn “xử” lại bản án, yêu cầu Phòng TN-MT và Thanh tra huyện thẩm tra lại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Mà có đúng đối tượng không. Trong khi vấn đề này đã bị tòa phúc thẩm bác. Và từ đó, việc THA vẫn bị ngâm đến nay, không trả lời lý do.
Luật cần có chế tài rõ ràng
“Hơn 2 năm rồi, cơ quan THA vẫn kéo dài thời gian THA, trong lúc tài sản THA bị đem cho thuê, vậy cơ quan THA có bồi thường cho chúng tôi không?” - bà Châu Thị Mỹ Chi bức xúc. Trước đó, bà Chi thắng kiện, tòa tuyên bà Nguyễn Thị Chánh phải giao toàn bộ diện tích đất tranh chấp cho bà Chi. Vụ án đã được THA quận 7 ban hành quyết định THA. Thế nhưng, tiếp sau đó cơ quan này gửi công văn khắp nơi hỏi, dù câu trả lời vẫn là “thi hành theo bản án”. Dẫu vậy, THA quận 7 vẫn bất chấp, không thi hành ngay, để bên phải THA dùng tài sản THA cho thuê kiếm lợi.
Sau đó, THA quận 7 vận dụng tiếp “quyền” của mình bằng cách gửi công văn đề nghị Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị bản án và vịn vào cớ đó để ra thông báo tạm dừng việc cưỡng chế THA. Sau 7 tháng cả tòa và viện không trả lời (theo quy định chỉ trả lời trong vòng 45 ngày), bà Chi phải gửi đơn khiếu nại, để Cục THA TP yêu cầu THA quận 7 thi hành. Mặc dù, quyết định trả lời của Cục THA TP là yêu cầu Chi cục THA quận 7 tiếp tục tổ chức thi hành bản án, nhưng cơ quan này vẫn không thi hành.
Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như cho biết, sở dĩ những vụ THA kéo dài là do Luật THA dân sự quy định quyền không rõ ràng, cho phép thủ trưởng cơ quan THA được quyền yêu cầu tòa án giải thích bản án và được quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền kháng nghị bản án, mà lại không quy định căn cứ thực hiện quyền này. Với quy định này, nếu muốn gây khó dễ, trì hoãn thì thủ trưởng cơ quan THA cứ tận dụng hết các quyền này. Do vậy, nếu Luật THA dân sự không sửa đổi, bổ sung kịp thời theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng hơn, thêm chế tài bồi thường nếu gây thiệt hại cho người được THA, sẽ còn nhiều người dân nữa bị hành.
HÀN NI