Sắp tới, những doanh nghiệp (DN) có các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như: Hoạt động dầu khí, bao gồm hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, kể cả các hoạt động phục vụ trực tiếp cho các hoạt động này; sản xuất, kinh doanh hóa chất, xăng dầu; sử dụng tàu biển chuyên dùng để vận chuyển dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác khi hoạt động trong vùng cảng biển và vùng biển Việt Nam; lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải trích lập Quỹ dự phòng rủi ro theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Trích từ hoạt động sản xuất kinh doanh
Đó là một trong những nội dung chính tại dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về Quỹ dự phòng rủi ro về môi trường theo quy định tại NĐ 19/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến. Nguyên tắc trích lập Quỹ dự phòng rủi ro về môi trường (gọi chung là Quỹ) là đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của DN; đảm bảo bù đắp một phần hoặc toàn bộ thiệt hại do môi trường gây nên. Nguồn hình thành quỹ được trích từ chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hàng năm của các DN nêu trên. Dự thảo quy định rõ thời điểm trích lập khoản dự phòng rủi ro là thời điểm cuối kỳ kế toán năm đối với các DN thuộc đối tượng phải lập báo cáo tài chính giữa niên độ theo quy định của pháp luật thì được trích lập dự phòng rủi ro về môi trường tại thời điểm lập báo cáo tài chính giữa niên độ.
Tàu chở dầu tại cảng biển Vũng Tàu (Ảnh: Hà Phương)
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định DN phải xây dựng và ban hành quy chế nội bộ quy định về bảo vệ môi trường và các biện pháp phòng ngừa rủi ro. Khi xảy ra thiệt hại do rủi ro về môi trường phải xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan, nếu do nguyên nhân chủ quan phải xác định rõ trách nhiệm bồi thường vật chất của từng bộ phận, cá nhân gây nên. DN không được tính thêm vào chi phí các khoản dự phòng không có đủ căn cứ trích lập dự phòng nhằm giảm nghĩa vụ nộp ngân sách.
Xăng dầu sẽ “cõng” thêm phí?
Mức trích lập cụ thể được dự thảo đưa ra đó là DN thực hiện trích lập 0,5% trên doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ vào quỹ. Khi số dư của quỹ này bằng 25% vốn điều lệ của DN thì không trích nữa. Mục đích của việc trích lập quỹ này nhằm phòng ngừa, khắc phục, bù đắp các sự cố về môi trường xảy ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh của DN. Cụ thể là khi môi trường nước và đất phục vụ mục đích bảo tồn, sinh hoạt, giải trí, sản xuất bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau và khi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái. Trong trường hợp DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh để xảy ra sự cố về môi trường do lỗi chủ quan, cố tình vi phạm thì không được dùng quỹ này để chi trả và khoản chi phí để xử lý sự cố cũng không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập DN.
Như vậy, với quy định tại dự thảo, các DN kinh doanh xăng dầu phải trích lập 0,5% doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ mỗi năm vào quỹ này nếu thông tư được thông qua. Nhiều ý kiến lo ngại xăng dầu Việt Nam sẽ “cõng” thêm Quỹ dự phòng rủi ro về môi trường, bên cạnh Quỹ bình ổn xăng dầu và các loại thuế, phí khác. Cụ thể, theo bảng tính giá cơ sở được công bố bởi Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam thì hiện xăng Việt Nam đang phải chịu các loại thuế, phí như sau: thuế nhập khẩu (20%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng và 2 khoản khác là chi phí định mức và lợi nhuận định mức cũng được tính vào giá xăng dầu. Ngoài ra, giá cơ sở xăng dầu được cấu thành thêm mức trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu và sắp tới sẽ thêm khoản trích lập Quỹ dự phòng rủi ro về môi trường.
HÀ PHƯƠNG