Tình hình đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn TPHCM trong quý đầu tiên của năm 2017 đạt kết quả như thế nào và có biện pháp gì đáng chú ý trong thời gian tới? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: Diễn biến tình hình ATGT trong quý 1-2017 trên địa bàn thành phố như thế nào, thưa ông?
Ông TRẦN QUANG LÂM: Trong quý đầu tiên của năm nay, toàn địa bàn thành phố đã xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, làm chết 135 người và bị thương 49 người. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 54 vụ việc, tương đương mức giảm 26%; giảm 54 người chết, xấp xỉ mức giảm 28% và giảm 6% số người bị thương. Bên cạnh việc kéo giảm trên cả 3 chỉ số TNGT, ngành GTVT thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp và đạt được một loạt kết quả bước đầu. Có thể nhắc đến như việc điều chỉnh giảm tốc độ trên 9 tuyến giao thông: Quốc lộ 1, quốc lộ 22, xa lộ Hà Nội, đường Mai Chí Thọ, đường Đồng Văn Cống, đường Võ Văn Kiệt, đường Phạm Văn Đồng, đường Nguyễn Văn Linh và đường Kinh Dương Vương. Theo đó, tốc độ tối đa cho phép trên phần đường hỗn hợp là 50km/giờ, còn tốc độ tối đa cho phép đối với xe sơmi rơmóc và ô tô tải là 60km/giờ.
Nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng là một giải pháp đảm bảo an toàn giao thông. Ảnh: THÀNH TRÍ
Sở GTVT cũng đưa vào vận hành Cổng Thông tin giao thông, nhờ đó thuận tiện hơn trong việc cung cấp thông tin tình hình về giao thông thực theo thời gian cho người tham gia giao thông.
Trong quý 1-2017, Sở GTVT cũng đã khởi công xây dựng 2 cầu vượt thép nhằm giải quyết tình trạng bức xúc giao thông tại khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. đó là cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm và cầu vượt tại nút giao Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Cũng trong thời gian này, Thanh tra Sở GTVT đã phát hiện, xử lý 4.385 vụ vi phạm hành chính trên lãnh vực giao thông đường bộ và giao thông đường thủy nội địa, với tổng số tiền phạt thu về hơn 12,5 tỷ đồng. Trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, lực lượng Thanh tra Sở GTVT phát hiện, xử lý 637 vụ vi phạm quá tải, tổng số tiền phạt hơn 6,6 tỷ đồng. Riêng tại 4 trạm kiểm soát tải trọng xe tự động, lực lượng liên ngành đã kiểm tra 823 lượt xe, xử phạt 293 trường hợp vi phạm với số tiền phạt hơn 3 tỷ đồng.
Mặc dù đã kéo giảm trên cả 3 tiêu chí so với cùng ký năm trước, nhưng số vụ TNGT vẫn còn xảy ra hàng trăm vụ. Theo ông, điều này do đâu?
Chúng tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân bất cập dẫn đến tình trạng đó. Trước hết, với đặc thù của một siêu đô thị, phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn thành phố đã tăng mạnh trong thời gian qua. Tính đến đầu năm nay, toàn thành phố đang quản lý gần 8 triệu phương tiện; trong đó có 600.000 ô tô, hơn 7 triệu mô tô. Mỗi ngày có khoảng 180 ô tô đăng ký mới và của mô tô là 850. So sánh với cột mốc năm 2010, tính ra tổng số phương tiện đã tăng 54%; trong đó ô tô tăng 32%, chưa kể còn khoảng 2 triệu phương tiện của các tỉnh lưu thông trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển đô thị. Việc mở rộng các tuyến đường còn hạn chế, gần như thay đổi không đáng kể. Một số khu đô thị bắt đầu phát triển mạnh, kéo theo nhu cầu hoạt động giao thông vận tải tăng cao.
Bất cập tiếp theo là ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chưa cao, đặc biệt rơi nhiều vào nhóm đối tượng điều khiển xe hai bánh, xe container và cả người bộ hành.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân liên quan đến công tác duy trì đảm bảo tình hình sau khi kiểm tra xử lý chấn chỉnh, lập lại trật tự đô thị, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường gây mất trật tự ATGT vẫn còn xảy ra, không đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
Đâu là những giải pháp đã được triển khai hiệu quả trong thời gian qua trên địa bàn thành phố?
Nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ, thời gian qua thành phố đã cải tạo, bố trí đảo dừng tạm an toàn cho đối tượng này trên các tuyến đường có mặt cắt ngang lớn, cũng như lắp đặt thanh chắn ngăn xe hai bánh chạy trên vỉa hè ở một số tuyến đường. Thành phố cũng đã có những ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối các chốt đèn tín hiệu giao thông điều khiển tại trung tâm; lắp đặt camera giám sát và thiết bị giám sát hành trình GPS trên toàn bộ xe buýt; đầu tư xây dựng các trạm kiểm soát tải trọng xe tự động trong đô thị; xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin giao thông điện tử, qua đó cung cấp thông tin giao thông trực tuyến cho người dân để người tham gia giao thông có thể chủ động lựa chọn lộ trình lưu thông hợp lý, tránh đi qua các khu vực đang xảy ra ùn tắc giao thông. Thành phố cũng đã tập trung phối hợp các lực lượng trên địa bàn để lập lại trật tự đô thị tại khu vực trung tâm thành phố; thực hiện phương án đảm bảo trật tự ATGT khu vực trọng điểm nên đã hạn chế tình trạng phức tạp tại trung tâm thành phố.
Bước sang quý 2-2017, Sở GTVT có giải pháp đáng chú ý nào để đảm bảo ATGT trên địa bàn?
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai gói 8 nhóm giải pháp chính. Trước hết là công tác hoàn thiện hệ thống quy hoạch, cơ chế chính sách và bộ máy quản lý nhà nước về giao thông đô thị; trong đó tập trung vào chính sách quản lý hạ tầng, tổ chức giao thông và chính sách về quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè. Nhóm giải pháp thứ 2 là đảm bảo khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu; trong đó chú ý các mảng nâng cao năng lực quản lý và khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu, kiểm soát các khu tập trung đông người hiện hữu và công tác chấn chỉnh trật tự lòng, lề đường.
Nhóm giải pháp tiếp theo là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông; trong đó ưu tiên tập trung hoàn tất các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm khởi công, hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình có tính cấp bách, trọng điểm của thành phố nhằm góp phần kéo giảm ùn tắc khu vực điểm nóng như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, các cửa ngõ vào thành phố; nâng cấp, sửa chữa cầu Nhị Thiên Đường 1; xây dựng hệ thống vé điện tử thông minh trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Thứ 4 là nhóm giải pháp liên quan đến nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải khách và hàng hóa, cũng như quản lý nhu cầu giao thông cá nhân. Trong vấn đề này, thành phố sẽ chú ý phát triển vận tải hành khách công cộng bằng nhiều biện pháp, chẳng hạn như tổ chức thí điểm làn ưu tiên và làn đường dành riêng cho xe buýt trên một số tuyến đường. Nhóm giải pháp khác là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng, quản lý khai thác, điều hành giao thông đô thị.
Có thể kể đến một số giải pháp như chuyển đổi các trạm thu phí thủ công hiện nay sang phương thức thu phí điện tử không dừng ETC; kết nối và khai thác hiệu quả dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình gắn trên phương tiện vận tải hàng hóa và vận tải hành khách lưu thông trên địa bàn thành phố để phục vụ công tác quản lý, kiểm soát; đồng thời tiến tới việc xử lý vi phạm và cấp phép phương tiện lưu thông. Các nhóm giải pháp còn lại là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT bằng nhiều hình thức khác nhau; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về trật tự ATGT; công tác phối hợp với các đơn vị khác.
Xin cám ơn ông!
THIỆN NHÂN (thực hiện)