Năm 2018 sẽ là năm nhiều dự án hạ tầng trọng điểm thuộc “Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông” của TPHCM được triển khai. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại với nguồn kinh phí eo hẹp như hiện nay, ngành giao thông lấy đâu ra nguồn vốn để thực hiện hàng loạt dự án?
Nhiều dự án
Trong năm 2017, mặc dù ngành giao thông TPHCM triển khai nhiều giải pháp nhưng cũng chỉ mới xóa được 4/37 điểm ùn tắc giao thông, 24 điểm tuy có chuyển biến nhưng vẫn thường ùn ứ và 9 điểm còn phức tạp. Diện tích đất dành cho giao thông tăng 84,7ha so với năm 2016 - lên 7.841ha; tuy nhiên, đường giao thông chỉ tăng thêm có 41,6km (1%) trên tổng chiều dài các tuyến đường (khoảng 4.196km).
Đường giao thông tăng không đáng kể so với lượng phương tiện tăng nhanh “đột biến” từng ngày, khiến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Vào giờ cao điểm, nhiều tuyến đường xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Cảng Cát Lái, trung tâm TP, các tuyến đường kết nối từ ngoại ô vào nội đô…, giao thông thường xuyên xảy ra ùn ứ. Đặc biệt, trên những tuyến đường ra vào các cửa ngõ TP, cứ vào dịp cuối tuần hay các ngày lễ, tết đều trở thành nỗi ám ảnh của người dân khi lưu thông qua khu vực này.
Nhằm thực hiện một trong 7 chương trình đột phá của TPHCM, năm 2018, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cam kết đẩy nhanh kế hoạch thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm, giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn. Theo Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường, sở này sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp “quyết tâm xóa các điểm ùn tắc”; chỉ đạo rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; rà soát, kiến nghị chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư; tăng cường kết nối giao thông vùng.
Trong đó, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM (theo Quyết định số 568 ngày 8-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ); triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án giao thông theo hướng Đông, gồm đường Song hành cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; đường Vành đai 2 (từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa, nút giao Mỹ Thủy, An Phú…); các dự án giao thông hướng Tây Nam, gồm cầu đường Bình Tiên; khép kín đường Vành đai 2 - từ An Lạc đến Nguyễn Văn Linh, nâng cấp - mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, 4 cầu thép trên đường Lê Văn Lương; tuyến trục Bắc - Nam (từ An Sương đến Khu công nghiệp Hiệp Phước) và những tuyến hướng tâm như các quốc lộ 1, 13, 22, 50. Bên cạnh đó, triển khai công trình cầu đường Nguyễn Khoái, cầu Thủ Thiêm 2, 3, 4…
Ngoài ra, sở chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị khẩn trương hoàn thiện các công trình giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (gồm 6 công trình như cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội đến đường Cộng Hòa, xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa…); khu vực Cảng Cát Lái (15 công trình, như xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy, xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng đến đường Vành đai 2 và nâng cấp, hoàn thiện toàn bộ mặt đường Vành đai 2…).
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bến xe liên tỉnh miền Đông, miền Tây mới, các bến bãi, đầu mối hoạt động vận tải hành khách.
Thực hiện bằng cách nào?
Liệu có thực hiện được hàng loạt dự án như trên, khi mà nguồn kinh phí hiện rất hạn hẹp? Ông Bùi Xuân Cường cho biết, ngay từ những ngày đầu năm 2018, Sở GTVT tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục đầu tư, nhằm khởi công mới 22 dự án cầu đường bộ trong quý 1- 2018. Trong đó, sở sẽ ưu tiên đầu tư các dự án thành phần của tuyến đường Vành đai 2, cao tốc Bến Lức - Long Thành, quốc lộ 1, quốc lộ 22, trục giao thông đô thị kết nối TPHCM với tỉnh Long An.
Trên cơ sở Nghị quyết số 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, chắc chắn TPHCM sẽ có thêm nguồn kinh phí từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do TP làm chủ sở hữu, hoặc trích tỷ lệ 50% từ nguồn xử phạt vi phạm giao thông, nguồn phí và lệ phí… Từ các nguồn kinh phí này, TP sẽ ưu tiên đầu tư công trình cấp bách và các dự án nằm trong chương trình đột phá giảm ùn tắc giao thông.
Để thực hiện được các dự án trên, Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung liên quan trong Nghị quyết số 54/2017 của Quốc hội và nghị quyết của HĐND TPHCM, ban hành quy trình về quản lý đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ngoài các nguồn trên, TPHCM ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, kêu gọi đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm theo hình thức PPP.
Sở GTVT cũng kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo 24 quận - huyện và các đơn vị liên quan quyết liệt thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án công trình giao thông; ban hành quy định thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo quy mô dự án, quy định trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan trong trường hợp chậm giải phóng mặt bằng, chậm di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án chính.
Tuy nhiên, với hàng chục dự án triển khai cùng lúc, nhiều chuyên gia cho rằng, UBND TPHCM cần ưu tiên bố trí vốn và thực hiện với quyết tâm cao độ thì mới hy vọng các công trình trọng điểm thuộc “Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông” hoàn thành trong năm 2018.