LTS: Dự kiến ngày 20-7, Thanh tra Chính phủ sẽ trình dự án sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng để Chính phủ xem xét và trình Quốc hội vào tháng 10-2012. Quan tâm vấn đề đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng, bạn đọc Báo SGGP đã nêu nhiều ý kiến góp ý thiết thực.
- Chỉnh đốn để cán bộ công chức thực sự vì dân
Phòng chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị cũng như của toàn xã hội. Nhưng vì sao từ trước tới nay vẫn hô hào quyết tâm phòng chống tham nhũng mà tham nhũng vẫn phát triển? Có phải cơ chế, chính sách lỗi thời nên tạo ra tham nhũng hay không?
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ V khóa XI, Trung ương đã thống nhất chủ trương thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị; lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban Đảng, vừa là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Đây là một quyết định đúng đắn và phù hợp. Thực tế cho thấy cơ quan hành chính nhà nước các cấp là nơi điều hành trực tiếp các vấn đề kinh tế - xã hội, do vậy nhiều cử tri đã nêu ý kiến là nếu để cho người đứng đầu cơ quan hành chính làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng sẽ không phù hợp. Cơ chế mới không chỉ bảo đảm sự độc lập với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp mà nó còn phù hợp với quy luật quản lý, tránh được tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi.
Tôi rất tâm đắc với phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư rằng không thể coi việc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng như một cây đũa thần. Quyết định về mặt tổ chức mới chỉ là một phần, hy vọng rằng sau bước khởi đầu về việc quyết định Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu, sẽ có những bước chỉnh đốn tiếp theo để Đảng thực sự trong sạch vững mạnh, để đội ngũ cán bộ công chức thực sự làm việc vì dân.
Hạ Uyên (191 Huỳnh Thúc Kháng, Tam Kỳ, Quảng Nam)
- Công khai việc kê khai tài sản của cán bộ
Tham nhũng hoành hành ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhất là trong các cơ quan nhà nước còn đang được bao cấp từng phần hay toàn phần và còn đang nắm ít nhiều cơ chế xin cho. Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng, cần thực hiện nhiều giải pháp một cách đồng bộ và toàn diện.
Về thể chế, trên cơ sở thực hiện Quyết định 30/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10-1-2007, các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, chọn lọc, hệ thống lại các văn bản đã ban hành, để không còn tình trạng nhập nhằng giữa những quy định đã bỏ và chưa bỏ ở các văn bản cũ và mới, cán bộ sẽ không còn điều kiện hành dân, dân cũng dễ hiểu mình bị xử sai hay không sai. Song song đó, rà soát ban hành văn bản mới, lĩnh vực nào cần quản thì quản, bố trí người phụ trách đủ chuẩn chất. Còn lĩnh vực nào không cần quản thì sớm xã hội hóa theo định hướng chung và qua đó cũng giảm luôn nhân sự. Cần phải định hình bộ máy thật cụ thể cho từng ngành, vùng, miền, không nên để các địa phương, ngành tùy tiện tách ghép thành lập mới sẽ rất khó quản lý.
Bộ máy chống tham nhũng hiện nay đã quá đủ, nhưng thể chế chưa phù hợp, thiếu cơ chế thực thi. Khi kẻ tham nhũng lãng phí lại là lãnh đạo, đồng nghiệp thân tín, thậm chí đôi khi chính bản thân mình vô tình hay vì lý do gì đó mà cùng hội, cùng thuyền với kẻ vi phạm, nên há miệng mắc quai, vì vậy bộ máy chống tham nhũng trở nên kém hiệu quả.
Việc quy định hàng năm cán bộ phải kê khai tài sản đã được thực hiện, tuy nhiên kê khai mà không công khai, lại giữ bí mật thì kê khai làm gì? Và khi công khai thì phải có giải pháp phù hợp. Phải làm sao cho có kết luận nhanh, chính xác và xử lý ngay sau khi kiểm tra, thanh tra xong. Lâu nay, có những kẻ tham nhũng tham lam đến mức liều lĩnh, sẵn sàng chấp nhận mất chức, đi tù nếu bị phát hiện, xử lý, do quan điểm “hy sinh đời bố củng cố đời con”.
Do vậy, Luật Phòng chống tham nhũng cần phải có quy định xử lý nghiêm minh, sao cho kẻ tham nhũng khi bị phát hiện sẽ bị thiệt gấp nhiều lần số của phi nghĩa đã có được do hành động bất chính. Và người đưa hối lộ để mưu cầu lợi ích riêng cũng phải bị xử xử nặng để răn đe.
Nguyễn Văn Thước (63 đường 1 Tháng 5, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau)