Truyền thông Nhật Bản dẫn lời ông Suga cho biết tên của triều đại mới lấy từ một bài thơ trong Vạn Diệp Tập, tuyển tập thơ cổ nhất và lớn nhất của Nhật Bản, trong đó “Rei” là may mắn, “Wa” là hòa bình, hòa hợp. Tên của triều đại mới phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt như phải bao gồm 2 ký tự tiếng Hán, dễ đọc, dễ viết, không được giống tên hoặc trùng ký tự của 4 triều đại gần nhất là Heisei (1989-2019), Showa (1926-1989), Taisho (1912-1926) và Meiji (1868-1912). Niên hiệu đầu tiên của Nhật hoàng là Taika, bắt đầu từ năm 645. Các niên hiệu trong thời hiện đại gồm Meiji, Taisho và Showa.
Triều đại mới Reiwa sẽ bắt đầu vào ngày 1-5, khi Thái tử Naruhito lên ngôi sau khi Nhật hoàng Akihito thoái vị vào ngày 30-4. Khoảng 300 khách mời đại diện từ 195 quốc gia sẽ tham dự sự kiện này. Sau lễ đăng quang, tân Nhật hoàng sẽ gặp gỡ đại diện của người dân lần đầu tiên. Khi hoàng gia sang triều đại mới đồng nghĩa với việc một chặng đường đã khép lại trong lịch sử. Đối với chặng đường đã qua, triều đại cũ đã đánh dấu sự kết thúc bằng sự hiện đại hóa mạnh mẽ chế độ quân chủ vốn ràng buộc truyền thống, có cách tiếp cận gần hơn với công chúng và tăng cường hỗ trợ gia đình. Đối với hoàng gia, Hoàng đế Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko đã chọn sống với con cái của họ thay vì cho phép bảo mẫu nuôi dạy chúng như thông lệ. Nhật hoàng cũng đã nhiều lần khẳng định sự phản đối của mình đối với chủ nghĩa dân tộc và bày tỏ “sự hối hận sâu sắc” đối với các hành động tàn bạo của quân đội Nhật Bản trong Thế chiến hai qua chuyến đi mang tính bước ngoặt đến Trung Quốc năm 1992. Mặc dù chưa đặt chân đến Hàn Quốc, ông cũng đã lên tiếng “hối tiếc sâu sắc nhất” về sự đau khổ của người Hàn Quốc trong thời kỳ cai trị tàn bạo 1910-1945 của Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên. Để kết thúc triều đại của mình, Nhật hoàng Akihito một lần nữa đã phá vỡ nền tảng truyền thống bằng cách đưa ra lời cầu xin được thoái vị vào năm 2016.
Về tân hoàng đế sắp tới của Nhật Bản, báo Channel News Asia ngày 1-4 nhận định, Thái tử Naruhito phải đối mặt với nhiệm vụ tế nhị là cân bằng truyền thống giữa chế độ quân chủ lâu đời nhất thế giới và các giá trị hiện đại, bao gồm cả việc bảo vệ gia đình khỏi các quy tắc cứng nhắc của hoàng gia. Người thừa kế 59 tuổi đã từng không ngại chỉ trích lối sống đôi khi ngột ngạt, áp đặt của hoàng gia, đặc biệt là khi công nương Masako đã phải vật lộn để thích nghi với cuộc sống của hoàng gia. Dấu ấn của tân Nhật hoàng hiện nay là lòng trắc ẩn và sự gần gũi, chia sẻ niềm vui cũng như nỗi buồn với dân chúng trong những lần xuất hiện bên cạnh các nạn nhân của thảm họa thiên nhiên.