Các vấn đề liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài

Trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết

Trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết

Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và TPHCM đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư.

Để các doanh nghiệp có thể biết các trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, chúng tôi xin trích dẫn Quyết định số 236/2004/QĐ-UB của UBND TPHCM về việc ban hành quy định, trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn TPHCM.

Những quy định này áp dụng cho các nhà đầu tư thực hiện các hoạt động đầu tư nước ngoài trên địa bàn TPHCM theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và cho các cơ quan chức năng của TP.

Quy định không áp dụng đối với các hoạt động đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu Nam Sài Gòn và khu đô thị Tây Bắc TP.

Trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết ảnh 1

Nhân viên Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM hướng dẫn thủ tục đăng ký kinh doanh cho một doanh nghiệp Trung Quốc sáng 17-1-2007.
Ảnh: CAO THĂNG

Quy định nêu rõ, các nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, chính xác của các nội dung đã kê khai; các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra nội dung kê khai của các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án và có biện pháp xử lý theo quy định của Nhà nước Việt Nam nếu nội dung không chính xác.

Về cơ chế phối hợp thực hiện, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM sẽ là đầu mối phối hợp với Sở Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) TPHCM và các sở-ngành có liên quan để quảng bá môi trường đầu tư, các lợi thế khi đầu tư vào TP đến các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia và địa phương, đến các doanh nghiệp và các đối tác tiềm năng của TP; thu hút các luồng đầu tư mới và hỗ trợ các nhà đầu tư tìm kiếm xác định các cơ hội đầu tư vào TP trong giai đoạn trước khi nhà đầu tư chính thức xin chủ trương đầu tư của TP.

Sở KH-ĐT làm đầu mối trong việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và phối hợp với các sở-ngành TP, UBND quận-huyện có liên quan trong việc thẩm định hồ sơ và giải quyết các vấn đề về đầu tư nước ngoài trên địa bàn TPHCM.

Sở có trách nhiệm cung cấp các thông tin ban đầu, làm cơ sở để nhà đầu tư xây dựng dự án như: các quy định, chủ trương, chính sách ưu đãi của Nhà nước Việt Nam và UBND TPHCM liên quan đến đầu tư nước ngoài; tính pháp lý của địa điểm, giá thuê đất, đơn giá bình quân bồi thường giải phóng mặt bằng; giới thiệu các tổ chức tư vấn có năng lực và uy tín.

Trong trường hợp các thông tin ban đầu chưa đầy đủ, Sở KH-ĐT liên hệ với UBND các quận-huyện, sở-ngành có liên quan để trả lời và có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan xác lập phương thức thông tin đảm bảo tính chính xác, kịp thời đến các nhà đầu tư.

Đối với các dự án không thuộc thẩm quyền cấp Giấy phép đầu tư của UBND TP, Sở KH-ĐT có trách nhiệm phân công cán bộ hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình lập dự án và xin cấp phép cho đến khi có Giấy phép đầu tư.

Trong trường hợp chủ đầu tư nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ KH-ĐT, Sở KH-ĐT thông báo cho nhà đầu tư nộp bản sao hồ sơ xin cấp phép để sở trình xin ý kiến về chủ trương đầu tư của UBND TP.

UBND các quận-huyện có trách nhiệm cung cấp thông tin ban đầu và trả lời cho Sở KH-ĐT, hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính, xây dựng, cập nhật thường xuyên quy hoạch xây dựng, quỹ đất để gửi cho Sở KH-ĐT. Sở Xây dựng có trách nhiệm thẩm định và phê duyệt thiết kế cơ sở theo thẩm quyền.

Trong quá trình thẩm định và phê duyệt cơ sở, Sở Xây dựng chỉ được yêu cầu bổ sung hồ sơ một lần bằng văn bản và thời gian chủ đầu tư bổ sung hồ sơ trong vòng 30 ngày. Các bước thiết kế tiếp theo do chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt nhưng không trái với thiết kế cơ sở đã được phê duyệt.

Các sở-ngành khác có trách nhiệm giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án, sau khi nhận hồ sơ như: khắc con dấu (Công an TP); cấp mã số thuế (Cục Thuế); cấp mã hải quan (Hải quan TP); cấp giấy phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu (Sở Thương mại); cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, trường hợp quy định không phải có phiếu lý lịch tư pháp: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội giải quyết trong vòng 3 ngày.

Trường hợp phải có Phiếu lý lịch tư pháp: sau khi nộp hồ sơ hợp lệ và trong thời gian chờ cấp Giấy phép lao động theo đúng quy định của luật pháp, người lao động nước ngoài được phép lao động không quá 3 tháng, kể từ khi nộp hồ sơ và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ cấp giấy phép lao động trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhận được Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp cấp.

QUANG TUẤN

Tin cùng chuyên mục