30 năm Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam

Phát triển công nghệ hạt nhân phục vụ KT-XH

Phát triển công nghệ hạt nhân phục vụ KT-XH

Trong 30 năm qua, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã phát triển vượt bậc về mọi mặt, ứng dụng  hiệu quả các kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đưa nghiên cứu phát triển điện hạt nhân từ trong phòng thí nghiệm ra triển khai đầu tư, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo Viện trưởng Vương Hữu Tấn, 30 năm qua, Viện đã thu được nhiều kết quả trong công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hạt nhân vào đời sống như sử dụng nguyên tố phóng xạ trong y học, xây dựng, giao thông, công nghiệp, môi trường, năng lượng và nguyên cứu cơ bản.

Phát triển công nghệ hạt nhân phục vụ KT-XH ảnh 1
Ứng dụng kỹ thuật nhân để điều trị bệnh tại bệnh viện.

Trong nông nghiệp Viện đã hợp tác và tạo điều kiện cho các cơ sở nông nghiệp tiến hành nghiên cứu tạo giống bằng kỹ thuật đột biến phóng xạ cho một số loại cây trồng như lúa, đậu tương, khoai tây, hoa.

Kỹ thuật hạt nhân cũng được nghiên cứu triển khai áp dụng thử nghiệm nhằm điều chỉnh chế độ tưới nước thích hợp cho cây cà phê ở Bình Phước.

Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm ra nguyên nhân tình trạng ô nhiễm các nguyên tố kim loại nặng độc trong môi trường nước và trong một số loại sinh vật ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, từ đó đề xuất các giải pháp hạn chế khắc phục ô nhiễm, đảm bảo sức khỏe của cộng đồng.

Riêng trong giai đoạn 2001 - 2005, toàn Viện đã có 527 công trình khoa học được công bố, trong đó có 240 công trình khoa học công bố trên tạp chí quốc gia, tạp chí nước ngoài, các ấn phẩm và hội nghị quốc tế.

Hiện nay Viện đang đầu tư quy hoạch phát triển các đơn vị theo các hướng điện hạt nhân, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ, hỗ trợ dịch vụ kỹ thuật và đào tạo cán bộ, nhằm thực hiện thành công Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình ở Việt Nam.

Theo Chiến lược, 3 mục tiêu chủ yếu đối với phát triển năng lượng nguyên tử ở Việt Nam từ nay đến năm 2020 là: ứng dụng rộng rãi hiệu quả bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các lĩnh vực kinh tế xã hội góp phần tăng trưởng GDP, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ xây dựng và vận hành an toàn từng bước nâng tỷ lệ điện hạt nhân đạt mức hợp lý trong tổng sản lượng điện năng quốc gia (11% vào năm 2025, 25 - 30% vào năm 2040 - 2050).

H.N (Theo TTXVN)

Tin cùng chuyên mục