Bộ Quốc phòng kiểm tra máy bay của “Hai Lúa”

Lên trời... gian nan lắm!

Lên trời... gian nan lắm!

Ngày 4-4, đoàn công tác của Bộ Quốc Phòng, Bộ Khoa học công nghệ phối hợp với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và huyện Tân Châu đã đến kiểm tra thực tế chiếc máy bay tự chế của hai anh “Hai Lúa” Trần Quốc Hải và Lê Văn Danh. Tại đây, “nhà sáng chế” anh Lê Văn Danh đã mặc sẵn đồ phi công, sẵn sàng khởi động máy bay…

  • Quay cánh quạt 180 vòng/phút!
Lên trời... gian nan lắm! ảnh 1

Khởi động thử nghiệm phần động cơ và cánh quạt trực thăng do anh Trần Quốc Hải chế tạo. Ảnh: THÁI BẰNG

Xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh hôm qua rộn ràng hơn thường nhật. Mới tinh mơ, một đoàn xe gần 10 chiếc đã đi từ nhà anh Trần Quốc Hải, xuống khu ruộng ở xã Suối Ngô, nơi có chiếc máy bay do anh “Hai lúa” Trần Quốc Hải chế tạo, với sự hỗ trợ tài chính của anh Lê Văn Danh.

“Hôm nay, Bộ Quốc phòng xuống cho dân bay thử máy bay”, ông Trần Văn Giác, anh họ của “Hai lúa” Trần Quốc Hải hào hứng dẫn đường cho đoàn xuống ruộng, nói.

8 giờ sáng, các chuyên gia về hàng không đến từ Bộ Quốc phòng đã đứng cạnh chiếc máy bay của “Hai lúa”. Chiếc trực thăng này là chiếc thứ 2 của anh Hải. Dài 11m; rộng 2,3m; cao 3,5m. Động cơ 250 mã lực, có ba cánh quạt chính và một cánh quạt đuôi, chi phí sản xuất là 300 triệu đồng. Chiếc máy bay trực thăng đang được neo chặt xuống đất bằng 4 sợi cáp, như thể sợ cánh quạt quay lên thì nó bay đi mất. “Theo chỉ đạo của Thủ tướng, đoàn chúng tôi đến lần này là để kiểm tra thực tế xem chiếc máy bay của anh đã làm được đến đâu, và xem anh có đề nghị gì cần giúp đỡ”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng đoàn công tác lần này nhẹ nhàng nói với anh Hải.

Có vẻ như với anh Hải, việc lần mò chế tạo một chiếc máy bay còn đơn giản hơn là phải đứng trước các vị tướng, cho dù là các vị tướng đang nói chuyện với anh hết sức nhẹ nhàng, thân thiện.

Những câu nói lúng túng của anh Hải có thể tóm lại thế này: “Tôi là một người dân đam mê khoa học, tôi muốn được cống hiến, tìm tòi. Lần này, có đoàn về kiểm tra, tôi xin nổ máy, quay cánh quạt máy bay để đoàn xem thử”.

Đoàn công tác lui ra xa hơn 20m. Anh Lê Văn Danh bước vào buồng lái, nổ máy. Cánh quạt quay. Tốc độ quay của cánh quạt, theo như đồng hồ đo được gắn trong buồng lái, đạt 180 vòng quay/phút. Nhưng các cánh quạt đều đang ở góc phẳng so với mặt đất, không có một luồng gió mạnh được tạo ra, không có một áp suất lớn như vẫn thấy ở các chiếc trực thăng sắp cất cánh.

“Về động lực, truyền lực cho cánh chính và cánh đuôi và một số nguyên tắc chung thì chiếc máy bay này đã đáp ứng được. Tuy nhiên về công suất, việc triệt tiêu moment và chất liệu của máy bay cần xem xét kỹ lưỡng hơn”, Đại tá, Tiến sĩ, Giám đốc Công ty Sửa chữa máy bay A42 Nguyễn Mai Phong cho biết.

  • Bay 1 mét cũng khó!

Theo Đại tá, Tiến sĩ Phong, sau khi sửa xong các chiếc máy bay, đơn vị của ông cũng phải tiến hành bay “treo” chiếc máy bay đó ở độ cao khoảng 1m có dây chằng, nếu đạt rồi mới có thể tiến hành từng bước tiếp theo như tháo dây chằng, cho bay cao hơn, rồi cho lượn vòng… Để an toàn, chiếc máy bay của hai anh “Hai lúa” cũng cần tuân thủ các bước trên. Tuy nhiên, ngay cả bay 1 mét, cũng là cả một vấn đề. Hiện nay cánh quạt đuôi và cánh quạt chính đều có thể điều khiển, nhưng mức độ điều khiển thế nào thì… các chuyên gia chưa biết. Nếu cánh quạt đuôi yếu, sẽ không thể “giữ nhịp” cho máy bay, và dưới vận tốc của cánh quạt chính, máy bay sẽ quay tròn trước khi đâm xuống đất! Đó là chưa nói đến độ khó của chất liệu của các thiết bị chế tạo máy bay.

Trên thế giới, khi chế tạo máy bay trực thăng, cánh phải được làm nguyên tấm bằng hợp kim rất tốt và nguyên tấm để có thể chịu đựng được lực nâng, lực võng, lực rung khi máy bay cất cánh. “Các chiếc máy bay chúng tôi sửa chữa, từng con ốc đều phải là hợp kim đặc biệt được nhập ngoại. Không biết ở trong một cái xưởng cơ khí nhỏ của mình, anh Hải có thể đảm bảo độ an toàn cho chất liệu máy bay không?”, Tiến sĩ Phong lo ngại.

Khác với vẻ hồ hởi của anh Hải, anh Danh về đứa con tinh thần của mình, rõ ràng các chuyên gia trong đoàn công tác lần này đều rất lo ngại. Đại tá Đỗ Văn Thân, người đã có 30 năm kinh nghiệm lái máy bay trực thăng, nhận xét: “Các máy bay khác của chúng ta hiện nay thường có động cơ lớn hơn nhiều so với chiếc máy bay này. Như chiếc Mi 8 của Nga (đến nay đã thuộc loại rất lạc hậu - PV) có hai động cơ, mỗi động cơ là 1.400 mã lực, gấp hơn 10 lần động cơ của chiếc máy bay này.

Về buồng lái, chiếc máy bay này thiết kế buồng ngồi phù hợp cho người nhỏ như anh Danh, chứ nếu lớn như tôi thì chưa thể xoay xở được, hệ thống cần đạp cần phải thực hiện lại…”.

Theo các chuyên gia trong đoàn khảo sát, chiếc máy bay của hai anh “Hai lúa” đã mô phỏng được ở dạng sơ khai của một chiếc máy bay trực thăng. Tuy nhiên, để chế tạo một chiếc trực thăng hoàn chỉnh thì rất khó. Đam mê, nhiệt tình của hai anh “Hai lúa” thì rất rõ ràng, và các chuyên gia cần phải giúp đỡ họ thêm, từ việc kiểm tra chất liệu, thiết kế, điều chỉnh để chiếc máy bay đảm bảo an toàn bay, trước tiên là bay thử 1 mét với 4 chiếc cáp được đính chặt với mặt đất. Giúp thế nào? Phải đảm bảo điều kiện cơ sở khoa học cần thiết và đảm bảo an toàn khi bay thử. Nhưng chiếc máy bay này, 2 anh tự  chế tạo, không có bản thiết kế, hoàn toàn dựa vào thực nghiệm, việc kiểm tra, đảm bảo an toàn bay cũng đành phải tiến hành trên thực nghiệm.

  • Bay được hay không bay được?

Câu hỏi đó cần phải được trả lời. Lãnh đạo địa phương và đoàn công tác lần này đều nhất trí như vậy. Hai người nông dân này bỏ bao công sức, tiền bạc vào việc chế tạo chiếc máy bay, họ đang rất cần một câu trả lời.

Tổng kết cuộc kiểm tra, Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã chỉ đạo Công ty Sửa chữa máy bay A42 mang máy móc đến kiểm tra chiếc máy bay này cho các anh “Hai lúa”. Kiểm tra độ an toàn của chất liệu, thiết kế… và báo cáo trong vòng 10 ngày. Các phi công có kinh nghiệm của Bộ Quốc phòng cũng phải góp sức, thậm chí phải bay thử, “lãnh giúp” 2 anh này các rủi ro có thể có khi bay thử nghiệm. Theo Trung tướng Soát, trên thế giới đã có rất nhiều phi công tử nạn khi bay thử nghiệm máy bay mới.

Khi cuộc họp của đoàn công tác kết thúc, chiếc máy bay nổi tiếng vẫn chưa rời khỏi mặt đất 1 cm nào. Câu trả lời về việc này, có lẽ phải chờ thêm 10 ngày nữa. Bởi không như những chiếc xe chạy trên đường hay những chiếc tàu chạy trên biển trên sông, chế tạo một chiếc máy bay khó hơn và yêu cầu độ chính xác lớn hơn rất nhiều lần. Chỉ mỗi lần động cơ trục trặc, tai nạn có lẽ không chỉ xảy đến cho người đang ngồi trong buồng lái…

MINH TÚ

Tin cùng chuyên mục