Một học sinh lớp 8/7 Trường L.V.T (Bình Thạnh) về nhà hối thúc: “Mẹ phải mượn tiền nhanh nhanh để con đóng cho cô. Nếu đóng trễ hạn, cô lại bắt con chép phạt. Không có tiền nộp đúng ngày, con không dám đi học đâu…”. Câu chuyện của cô bé bị phạt vì nộp tiền trễ hạn nghe như chuyện lạ khó tin. Thế nhưng, nhiều phụ huynh không còn lạ với hình phạt của cô giáo chủ nhiệm dành cho những học sinh đóng tiền trễ.
Nhiều học sinh kể: Trong lần đóng tiền đợt 1, một số bạn nộp tiền trễ bị cô giáo chủ nhiệm bắt chép phạt câu “Em xin hứa không đóng học phí trễ nữa”. Bạn nào trót dại năn nỉ, giải thích lý do sẽ được “đặc cách” chép phạt thêm 1 trang. Học sinh vì thấy mắc cỡ với bạn bè và sợ cô nên về nhà tìm đủ mọi cách hối thúc, áp lực với cha mẹ. Phụ huynh cũng không đành lòng nhìn con bị phạt phải tìm đủ cách có tiền đóng ngay cho con.
Mới đây, cô lại ghi vào sổ báo bài thông báo đóng tiền đợt 2 học kỳ 2 bao gồm các khoản: vi tính (32.000 đồng), phòng lab (45.000 đồng), giấy và đề thi (15.000 đồng), quỹ lớp 3.000 đồng/tuần và quỹ cha mẹ học sinh 200.000 đồng/học kỳ, tiền cơ sở vật chất 200.000 đồng… Thời gian quy định hết hạn là thứ năm. Và cô giáo cũng không quên thông báo miệng với học sinh nên đóng trước khoản tiền 310.000 đồng, ai nộp trễ sẽ bị phạt!
Ngành giáo dục đã nghiêm cấm các hình thức lạm thu và càng không cho phép giáo viên phạt học trò chỉ vì đóng tiền trễ. Thế nhưng, để đáp ứng đúng quy định của nhà trường và đảm bảo thành tích thi đua của bản thân, nhiều giáo viên đã tự nghĩ ra khá nhiều “sáng kiến” để bắt học sinh đóng tiền nhanh hơn.
Như trường hợp phụ huynh của em M.Ng. (Trường THPT T.Đ) chỉ “dám” bức xúc sau khi con chị ra trường: “3 năm cháu học ở đây, tôi cũng cảm thấy căng thẳng theo. Trường có hình phạt dành cho những học sinh đóng tiền trễ là phát loa kiểm điểm trước toàn trường. Em nào chưa đóng tiền đúng hạn sẽ “được” đọc tên trước toàn trường và đòi đình chỉ học…”. Chính những điều này khiến học sinh lo sợ trở thành cá biệt, bị giáo viên “để ý” và ngại đến trường.
Biết rằng, giáo viên cũng phải hoàn thành nhiệm vụ, yêu cầu học trò đóng tiền theo đúng hạn định nhưng thiết nghĩ thầy cô cần thông cảm hoàn cảnh, lý do của học sinh để có cách giải quyết tối ưu nhất.
Vấn đề ở đây không phải là học trò chép không nổi mấy trang giấy mà đó là việc làm trái quy định. Các em sẽ cảm thấy mặc cảm với bạn bè và hơn hết đó không phải là lỗi của học sinh để phải nhận hình phạt từ thầy cô.
MỸ HẰNG