Trộm thiết bị ô tô lộng hành

Cẩn trọng vẫn mất
Trộm thiết bị ô tô lộng hành

Gần đây, nhiều tài xế của các doanh nghiệp dịch vụ vận tải hành khách tư nhân ở TPHCM liên tục phản ánh qua đường dây nóng Báo SGGP về nạn trộm cắp thiết bị ô tô đang lộng hành. Nhiều ô tô đậu trên đường đã bị kẻ gian tháo hộp điều khiển, bẻ trộm kính chiếu hậu, logo, chỉ trang trí, thậm chí tháo trộm lấy hết các bánh xe.

Công an bắt quả tang một đối tượng trộm logo ô tô với tang chứng vừa vứt xuống chân.

Công an bắt quả tang một đối tượng trộm logo ô tô với tang chứng vừa vứt xuống chân.

Cẩn trọng vẫn mất

Anh Võ Tấn Tài (ở phường 12, quận 11, tài xế của một công ty vận tải du lịch tại quận 10) phản ánh, khi đưa khách đi tham quan TP Vũng Tàu, anh Tài đã gặp sự cố khó xử. Khi ghé ngang một điểm bán hàng lưu niệm có hành khách đề nghị dừng xe để ghé vào mua sắm. Đoàn người lục tục đi vào cửa hàng, anh Tài tranh thủ đi vệ sinh. Mọi việc vẫn diễn ra bình thường, nhưng khi tất cả trở ra xe thì anh Tài không thể nào mở cửa xe được. Mồ hôi anh Tài tuôn ra như tắm, mặt xanh không còn chút máu, vì không cần kiểm tra, anh cũng biết chiếc Mercedes Sprinter (thường gọi là Mẹc đầu vuông) của mình đã bị kẻ gian lấy trộm “bộ não” điều khiển. Bọn trộm đã dùng thiết bị đặc biệt cạy các con ốc ở cánh cửa bên hông tài xế. Sau đó, bọn chúng cắt dây điện lấy “bộ não” của xe. Thiết bị này điều khiển đồng hồ đo tốc độ xăng, hộp đen, hộp định vị, giàn điều hòa máy lạnh, mở cửa tự động, thiết bị nghe nhìn… Anh Tài vội vàng điện thoại về công ty cầu cứu. Để thực hiện đúng hợp đồng với khách, công ty đã liên hệ thuê lại chiếc xe khác tại TP Vũng Tàu đưa khách đi tham quan. Còn chiếc “Mẹc đầu vuông” bây giờ không còn nhúc nhích, công ty phải thuê xe cứu hộ để kéo đống sắt vụn về garage.

Trong những năm gần đây, khi thế giới có dòng ô tô cao cấp nào thì chẳng bao lâu ở TPHCM đã có ngay vài chiếc. Các thiết bị cho các xe này khó tìm và giá rất đắt. Do vậy, kể từ đó, “nghề” ăn trộm các phụ tùng ô tô bắt đầu có “đất dụng võ”. Việc ô tô bị bẻ trộm rình rập tháo kính chiếu hậu, cần gạt nước, logo, chỉ trang trí… không còn xa lạ với giới tài xế. Anh Nguyễn Văn Minh, tài xế một công ty tư nhân ở quận 1, kể: “Anh bạn tôi lái chiếc Audi chở ông chủ đi gặp đối tác. Khi xe dừng chờ đèn đỏ để chuẩn bị qua cầu Phú Mỹ, có 4 chiếc xe máy áp sát cửa. Mọi người không để ý, 2 chiếc xe máy chở đôi khác xuất hiện. Chỉ trong tích tắc, chúng bẻ gãy cặp kính chiếu hậu. Tài xế muốn nhào ra tri hô và rượt theo bọn cướp nhưng kẹt chiếc xe máy đang áp sát ở cửa xe, không bung cửa ra được. Camera hành trình có ghi lại thì cũng thua, vì bọn trộm đã che mất biển số”.

Công khai bán đồ trộm cắp

Trong tất cả các trường hợp bị kẻ gian lấy trộm thiết bị, tài xế và chủ xe thường liên hệ 2 nơi. Một là hãng xe để biết trị giá của món đồ mình bị mất và hai là các cửa hàng bán phụ tùng ô tô ở khu Dân Sinh (quận 1), An Dương Vương (quận 5)… Trở lại chuyện mất cắp “bộ não con Mẹc đầu vuông”, anh Tài cho biết: “Hãng xe thông báo thiết bị đó có giá hơn 100 triệu đồng, nhưng khổ nhất là phải cài đặt lại hết. Thời gian để thực hiện việc đó có thể kéo dài cả tuần lễ. Ông chủ tôi lân la ở khu Dân Sinh khoảng 1 ngày thì có kết quả. Một điểm mua bán phụ tùng thông báo đã tìm được đúng cái “bộ não” xe của tôi và họ nhượng lại với giá 60 triệu đồng. Không còn cách nào khác, chúng tôi phải đồng ý”.

Hầu hết tài xế cũng như thợ bảo trì ô tô đều sợ bọn trộm “bộ não” xe Mẹc đầu vuông. Anh Lê Tuấn Tài, thợ sửa ô tô, cho biết: “Dù biết “bộ não” là bộ phận quan trọng của ô tô nhưng muốn lấy cũng không phải dễ. Tên trộm đó phải là dân sửa ô tô có tay nghề rất cao để hành động nhanh, gọn như vậy. Tương tự, kính chiếu hậu, cần gạt nước, logo hay chỉ trang trí ô tô, muốn cạy, bẻ cũng không hề đơn giản”. Điều đáng quan tâm là bọn trộm bán lại những thiết bị đó với giá chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng nạn nhân muốn tìm mua có khi phải trả cả chục triệu đồng. Chính vì sự lộng hành của bọn trộm, chủ nhân các ô tô có giá trị cao đều phải sử dụng đủ các biện pháp đối phó để tự bảo vệ mình. Các logo xe đều được bắt thêm ốc vít bên trong; còn kính chiếu hậu đều phải gắn thêm dây cáp giữ chặt. Tại thời điểm này, tài xế chỉ yên tâm khi đưa xe vào bãi giữ xe, sân đậu xe của nhà hàng, khách sạn… Còn khi đậu xe ở các bãi xe có thu phí hay dừng đậu ở dọc đường, tài xế phải quẩn quanh chiếc xe để trông chừng.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục