Chỉ cần nghe qua hàng loạt chức vụ cao nhất của Thiếu tướng Bùi Nam Hà: nguyên Phó Tổng Thanh tra Quân đội Nhân dân Việt Nam, Ủy viên Thường trực Hội đồng thi đua Bộ Quốc phòng, Viện trưởng Học viện Hậu cần, Phó Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao, Cục trưởng Cục Nhà trường Bộ Tổng Tham mưu, Phó Tư lệnh Đoàn 959, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Tây Nguyên, Tham mưu phó Quân khu 5… đã có thể khẳng định, cuộc đời binh nghiệp của ông như một pho sách và ông là một trong những vị tướng tài ba của Quân đội Nhân dân Việt Nam!
Quê gốc Hưng Yên nhưng sinh ra, lớn lên tại Hà Nội, cuộc đời ông luôn gắn bó với thủ đô ngàn năm văn hiến. Chẳng thế, trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, ông hăng hái tham gia đoàn đại biểu gồm 1.000 tướng lĩnh miền Nam vượt đường Trường Sơn ra Hà Nội dự đại lễ.
Trước khi lên đường, ông nói vui: “Đây là chuyến… hành quân cuối đời tôi nên nhất định phải giành thắng lợi…”. Sau đại lễ, ông trở về trong niềm hạnh phúc tràn đầy. Hiện ông đang sống cùng vợ con tại nhà riêng ở số 20 đường Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình. Nhà ông lúc nào cũng có những đồng đội cũ đến thăm.
Năm nay 87 tuổi đời, hơn 60 tuổi Đảng nhưng tiếng nói của ông vẫn hào sảng, tâm hồn ông vẫn sôi nổi, trẻ trung. Ngọn lửa nhiệt tình từ ông truyền sang lớp trẻ ngay từ phút đầu gặp gỡ. Cho đến hôm nay, mỗi khi ông kể lại những trận đánh năm xưa, tinh thần ông vẫn hừng hực khí thế ra trận.
Ông nhớ lại, lúc vừa tròn 20 tuổi (năm 1944), ông đã tham gia lực lượng Việt Minh thuộc Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội; tháng 3-1945, ông chính thức gia nhập quân đội và trưởng thành từ bộ đội chủ lực.
Hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, trong đó có những trận mang dấu ấn lịch sử, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường đã trải qua cuộc đời ông: trận đánh vào trại Bảo an binh Pháp ở Hà Nội ngày 19-8-1945, lúc đó quân ta chỉ có 54 chiến sĩ nhưng đã dũng cảm bắt sống hàng vạn tên địch, thu nhiều vũ khí các loại.
Sau trận thắng này, ông chuyển sang bộ đội chủ lực. Mới 21 tuổi ông đã là tiểu đoàn trưởng chỉ huy 500 quân trực tiếp cầm quân đánh trận đầu vào căn cứ địch ở Vĩnh Phúc, Phúc Yên. Tiếp đó, trong chiến dịch biên giới năm 1950 ông chỉ huy tiêu diệt và bắt sống gần 4.000 tên địch, giải phóng biên giới phía Bắc, mở ra cục diện chiến tranh mới cho cách mạng Việt Nam, tạo hậu phương vững chắc ở miền Bắc XHCN. Năm 1954, ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, là trung đoàn trưởng có nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Mường Thanh để cô lập quân Pháp.
Với kinh nghiệm chiến trường, năm 1964, ông được cử vào chiến trường miền Nam làm Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5 thành lập Mặt trận Tây Nguyên, mở chiến dịch Pleimer, đánh bại “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, ông được mệnh danh “Hùm xám miền Trung” trực tiếp chỉ huy mặt trận Bình Trị Thiên khói lửa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Tây Nguyên… góp phần làm thất bại hoàn toàn “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Năm 1971 - 1972, quân ta mở chiến dịch Thượng Lào, ông chỉ huy bao vây cánh đồng Chum và giành thắng lợi. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông cùng các tướng lĩnh trong đoàn đặc phái viên do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng đầu họp bàn cách đánh địch để giành thắng lợi cao nhất. Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), ông không giấu nổi niềm vui quá lớn.
Suốt cuộc đời xông pha trận mạc, ông cho rằng mình là người hạnh phúc nhất vì được trực tiếp tung hoành ngang dọc khắp các chiến trường từ Bắc chí Nam và được đi suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tuy vậy, điều ông nhớ nhất là kỷ niệm 3 lần được vinh dự gặp Bác Hồ.
Ông xúc động kể: Lần thứ nhất vào năm 1950, sau chiến thắng chiến dịch biên giới trở về, chúng tôi được Bác đến động viên: “Hôm nay Bác sẽ khao các chú một bữa…”. Lần thứ hai, sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, ông vinh dự được gặp Bác tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. Bác tặng mỗi bộ đội một chiếc “Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ” và dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải giữ lấy nước…”. Lần thứ ba, vào tháng 10-1964, Bác đến tiễn chúng tôi vào chiến trường miền Nam (gọi tắt “đi B”), Bác căn dặn: “Chúng ta có vùng trời, vùng đất, các chú đánh phải thắng để giành lại non sông…”. Nhờ được Bác động viên, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn gian khổ, trọn đời đi theo Đảng, theo Bác…
Minh Ngọc