“Cô Mai ơi, đứa cháu của tôi năm nay vào lớp 6, giờ không có đồng phục nên muốn nghỉ học. Nhờ cô đến nói chuyện, xem có cách nào khuyên cháu giúp tôi với”. Nghe một chị cùng sinh hoạt ở chi hội phụ nữ phường tâm sự, cô Trần Thị Huỳnh Mai (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 3, phường 8 - quận 10, TPHCM) tìm hiểu thì biết không phải cha mẹ cháu quá khó khăn, nhưng do thiếu quan tâm nên không mua đồng phục học sinh chuẩn bị cho cháu vào năm học mới, vì vậy cháu không muốn đến trường. Hiểu được nguồn cơn, cô Mai quyết định mua cho cháu 2 bộ đồng phục. Không còn mặc cảm vì thua kém bạn bè, cháu không đòi nghỉ học nữa.
Đó là câu chuyện giúp đỡ người khác mới nhất của cô Trần Thị Huỳnh Mai. Những chuyện cô “bao đồng” như vậy rất nhiều. Người dân trong khu phố 3 đã quá quen với hình ảnh cô luôn bận rộn chuyện đầu trên xóm dưới. Nhiều năm là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, thành viên Ban điều hành khu phố, thành viên Ban Công tác mặt trận khu phố 3, tổ trưởng tổ dân phố, đại biểu HĐND phường 8 nhiệm kỳ 2016-2021, nên cô Mai hiểu rất rõ hoàn cảnh từng gia đình trong khu phố; từ đó trực tiếp giúp đỡ hoặc đề xuất chính quyền, đoàn thể hỗ trợ những trường hợp khó khăn. Em Hà Mỹ Nhi (nhà số 190/26 Nguyễn Tiểu La) kể: “Từ lúc còn đi học, em đã được cô Mai giúp rất nhiều. Đến khi em tốt nghiệp lớp 12, cô lại xin cho em suất học nghề. Em bệnh, cô kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ tiền để em chữa bệnh. Giờ em có việc làm ổn định là cũng nhờ được cô giới thiệu công việc cho em. Cô còn giúp chị gái em tìm việc, giúp cháu của em ở Tiền Giang lên đây được chuyển hồ sơ nhập học, rồi lại đưa cháu em vào danh sách được lãnh học bổng nữa. Cả nhà em đều mang ơn cô”. Không chỉ riêng hai chị em Hà Mỹ Nhi, nhiều bạn trẻ khác trong khu phố cũng được cô Mai giới thiệu học nghề và giới thiệu việc làm. Nhiều em xem cô Mai như người thân trong gia đình, có gì khúc mắc đều nhờ cô cho ý kiến.
Uy tín và lòng tận tâm với mọi người xung quanh cũng là những bí quyết giúp cô Mai trở thành chuyên gia hòa giải của khu phố 3. Biết nhà nào hay xảy ra lục đục, cô Mai thường xuyên ghé nhà tâm sự, đem kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc của mình và tự đặt mình vào vị trí người trong cuộc để đưa ra lời khuyên phù hợp. Có gia đình đã đứng bên bờ vực của sự tan vỡ, nộp đơn ra tòa xin ly hôn. Biết chuyện, cô lần lượt gặp riêng người chồng rồi người vợ, lắng nghe bức xúc của mỗi bên, phân tích lỗi phải và khuyên đừng đặt cái “tôi” quá lớn, vợ chồng cần có sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ, nhường nhịn lẫn nhau. Nhờ lời khuyên của cô, ngày hai vợ chồng đến tòa án để giải quyết chuyện ly hôn cũng là ngày họ thuận hòa trở lại. Bằng sự kiên trì và quan tâm sẻ chia, cô Mai đã hàn gắn nhiều trường hợp mâu thuẫn gia đình, góp phần đem lại sự hòa thuận trong khu phố.
Có nhiều đóng góp tích cực cho địa phương, được nhiều người yêu mến nhưng cô Trần Thị Huỳnh Mai chỉ cho rằng đó là điều cần làm, và là những chuyện làm theo Bác thiết thực nhất.