Mới đây, tại buổi làm việc giữa đoàn đại biểu HĐND TPHCM do bà Tô Thị Bích Châu, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP dẫn đầu với Trung tâm Thể thao tổng hợp và giáo dục hướng nghiệp cho học sinh (gọi tắt là Vietopia) về các hoạt động chăm lo tết cho thiếu nhi, nhiều ý kiến thắc mắc đã đặt ra xung quanh vấn đề vì sao có quá ít doanh nghiệp Việt Nam đồng ý “bắt tay” với đơn vị trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục mang ý nghĩa nhân văn dành cho học sinh. Trong khi đó, số lượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia chương trình lại chiếm tỷ lệ áp đảo.
Giải đáp băn khoăn này, bà Nguyễn Quế Anh, Tổng giám đốc Him Lam Vikid (đơn vị đầu tư Vietopia) cho biết khi đặt vấn đề hợp tác, các doanh nghiệp Việt Nam thường không mặn mà các chương trình xã hội hóa. Do đó mới dẫn đến tình trạng một trung tâm mang ý nghĩa giáo dục hướng nghiệp dành cho học sinh Việt Nam lại tồn tại quá nhiều tên và mô hình mô phỏng sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài. Câu hỏi được đặt ra là vì sao đơn vị không chủ động “cầu cứu” cơ quan quản lý thay vì phó mặc chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà cả nước đang hướng tới?
Mặt khác, sau hàng loạt sự cố liên quan đến vấn đề an toàn trường học, đặc biệt là văn bản chỉ đạo của Sở GD-ĐT TPHCM về yêu cầu hiệu trưởng các trường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh khi tham gia các hoạt động ngoại khóa, tâm lý chung của các trường hiện nay là rất e dè, thậm chí nói “không” với sinh hoạt ngoại khóa.
Theo hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 3, đây là cách bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh vì “chỉ loanh quanh ở nhà thì làm sao xảy ra tai nạn”, nhưng lại có cái hại là “trong năm học một số giáo viên đã lỡ hứa với học sinh về phần thưởng sau khi tổng kết học kỳ là một chuyến đi chơi dã ngoại, nhưng nay không thực hiện nữa, ngay cả tôi cũng phải né trả lời thắc mắc của các em”.
Qua đó cho thấy thay vì tăng cường an ninh cho học sinh khi tham gia các hoạt động ngoại khóa, cũng như hạn chế cho các em tham gia các hoạt động dưới nước trong điều kiện thiếu người giám sát, đảm bảo an toàn đúng theo yêu cầu của Sở GD-ĐT, các trường lại chọn luôn phương án “ở nhà cho chắc” dù thực tế còn rất nhiều hoạt động “trên cạn” tại các khu vui chơi bổ ích, an toàn. Thực tế này một lần nữa cho thấy chúng ta đang thiếu sự phối hợp toàn diện giữa các ngành, các cấp trong việc định hướng giáo dục, hình thành nhân cách cho thế hệ tương lai của đất nước. Về lâu dài, điều này sẽ làm thui chột tinh thần cống hiến của các giáo viên, cũng như đánh mất đi cơ hội được tham gia học hỏi của học sinh.
QUÂN MINH