Trong lòng Ai Cập

Từ bé, tôi đã ước một lần được đến Ai Cập, tận mắt chiêm ngưỡng kim tự tháp vĩ đại gắn với những truyền thuyết bí ẩn của thế giới cổ đại. Dù “Mùa xuân Ảrập” trở lại khiến vùng đất đầy nắng, gió sa mạc càng trở nên khắc nghiệt, tôi vẫn quyết đến bằng được đất nước này. Được cô Maryanne Stroud Gabbani sống ở khu ngoại ô Maadi, phía Nam thủ đô Cairo bảo lãnh đến đây du lịch ngắn ngày, tôi vừa mừng, lại vừa lo.

Đặt chân lên vùng đất Ai Cập, tôi phải tập quen với cái nắng, cái gió đặc trưng và một chút mưa của vùng đất sa mạc. Maryanne bảo tôi muốn đi đâu phải tranh thủ đi sớm rồi về nhà cho an toàn. Sau 4 giờ chiều không nên ra ngoài vì những ngày này tình hình rất phức tạp. Sáng ngày thứ hai có mặt ở Ai Cập, tôi được Maryanne chở đi tham quan một vòng khu lăng mộ Giza nổi tiếng. Tôi chỉ đứng loanh quanh bên ngoài, chụp vài tấm hình, không vào được bên trong vì mỗi buổi sáng/chiều, chỉ 150 vé tham quan bên trong kim tự tháp được bán ra. Chúng tôi đến chẳng còn vé. Thế mới biết, dù giới truyền thông nhiều nơi liên tục cập nhật thông tin về tình hình bất ổn ở Ai Cập, khách du lịch vẫn không mấy lo sợ, vẫn muốn tìm đến Ai Cập.

Một ngày của tôi bắt đầu với bữa sáng với các món ăn đặc trưng do Maryanne chuẩn bị. Cô cùng chồng là người Canada gốc Ai Cập chuyển hẳn về đây sống cùng hai con nhỏ từ 30 năm trước. Chồng Maryanne mất đã vài năm, cô nghĩ không cần trở lại Canada vì cuộc sống ở Ai Cập với cô đã tạm ổn. Cô chưa bao giờ có ý định rời bỏ Ai Cập, kể cả vào thời điểm căng thẳng như bây giờ. Nhưng những gì đang diễn ra đối với quê hương thứ hai của mình khiến cô lo lắng thật sự.

Vài ngày trước khi tôi đến, Maryanne kể rằng hàng ngàn người Ai Cập đã đổ xuống đường để kỷ niệm một năm ngày Tổng thống Mubarak bị lật đổ, 25-1. Chính quân đội Ai Cập đã làm rất tốt việc “tuyên truyền” cho việc xuống đường biểu tình của người dân. Vì thế, từ ngày 24-1, hàng ngàn người xếp hàng trước ngân hàng, chen nhau đến các địa điểm bán thực phẩm vì lo sợ các máy ATM sẽ không hoạt động trong ngày 25-1, lo sợ không mua được thức ăn trong ngày mà quá nhiều người xuống đường biểu tình. Rồi đến thảm kịch tồi tệ nhất trên sân bóng khiến ít nhất 74 người thiệt mạng, cả ngàn người bị thương tối 1-2. Quân đội, lực lượng an ninh đã ở đâu để khán giả có thể ngang nhiên mang đá, gậy gộc vào tấn công lẫn nhau như thế? “Mùa xuân Ảrập” trở lại là lúc người dân đòi hỏi sớm chuyển giao quyền lực một cách dân chủ. Nhưng trong tình hình “tranh tối tranh sáng” như hiện nay, kích động để bạo loạn xảy ra khắp nơi một cách vô kiểm soát phải chăng chính là cách mà quân đội Ai Cập vừa không mất sức lại vừa khiến những cuộc chống đối đi xa ra khỏi quỹ đạo, không thể đến được mục đích chuyển đổi sang chế độ dân chủ?

Ngay lúc này, đụng độ đang tiếp tục diễn ra, bùng phát dữ dội trong nhiều ngày liên tiếp. Chỉ ba ngày qua, số người thương vong đã lên đến khoảng 1.500 người. Vài ngày nữa, tôi sẽ rời Ai Cập, trở về cuộc sống thường nhật. Sẽ khó mà quên được nụ cười hiền lành, lời hỏi thăm chân tình, câu đùa dí dỏm từ những người hàng xóm thân thiện của Maryanne mà tôi vừa làm quen. Chuyện gì sẽ tiếp diễn ở Ai Cập? Không ai chắc chắn câu trả lời vào lúc này nhưng thật sự chẳng ai muốn “cái nôi của nền văn minh nhân loại” bị lu mờ bởi bạo loạn đẫm máu.

Việt Hồng (Từ Cairo)

Tin cùng chuyên mục