Nhìn người dân TPHCM bì bõm lội trong nước triều cao, lại nhớ đến tình cảnh của người dân Bangkok hai năm về trước. Chỉ một phần của TPHCM bị ngập do triều cường thế nhưng nỗi khổ vì ngập thì ở đâu cũng giống nhau...
Đừng “chọc” tự nhiên “nổi giận”
Làm sao tránh được tình cảnh này? Thực ra đã có nhiều giải pháp được đưa ra. PGS-TS Hồ Long Phi, Phó ban Điều hành chương trình chống ngập TPHCM, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TPHCM) từng đề nghị: “Để chống ngập thành công, bài học từ hiện tượng ngập ở Bangkok cũng như kinh nghiệm chống ngập của nhiều nước trên thế giới là phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ mà trong đó có giải pháp công trình và các giải pháp mang tính xã hội - thích ứng với tự nhiên.
Đối với các giải pháp công trình, việc làm đê bao là cần thiết nhưng không phải bao tất cả thành phố vì như thế can thiệp quá thô bạo vào tự nhiên, đẩy triều cường vốn “hiền lành” của thành phố trở thành triều “dữ”. Có một “chân lý” trong thích ứng với tự nhiên là đừng “chọc” tự nhiên “nổi giận”. Chỉ nên làm đê ở một số khu vực ngoại thành. Các khu vực còn lại, con người nên “rút lui” hẳn, nhường đất cho… nước”.
Cùng với hệ thống sông, kênh, rạch, những vùng đất ngập nước sẽ là nơi điều tiết nước hiệu quả nhất cho thành phố. Hà Lan với hệ thống đê khổng lồ được xây dựng từ hàng trăm năm nay, đã rút được kinh nghiệm này và họ đang từng bước phá đi nhiều đoạn đê, để nước ngập tự nhiên tràn vào. Còn trong nội thành, ngoài việc hoàn thiện hệ thống thoát nước, công tác phát triển đô thị, phân bố dân cư cũng phải được tính toán kỹ như tránh trường hợp xây nhà chặn hướng thoát nước hoặc thậm chí lấp bớt kênh, rạch để xây dựng…
Quản lý phát triển đô thị tốt, hướng tới chống ngập hiệu quả chính là các giải pháp xã hội - thích ứng với tự nhiên mà thành phố phải làm. Tại sao vậy? Đơn giản vì không một công trình đê bao hay hệ thống cống thoát nước nào có thể vận hành hiệu quả 100%. Trong xây dựng, người ta chỉ có thể tính toán xác suất an toàn, hiệu quả của công trình theo các chu kỳ nhất định.
Hơn nữa, một khi thiên nhiên đã “nổi giận” thì không sức người nào có thể chế ngự. Chính vì thế, giải pháp xã hội, thích ứng với tự nhiên là giải pháp căn cơ, đặc biệt quan trọng trong chống ngập. Những giải pháp này thực ra không tốn nhiều công sức cũng như tiền bạc để thực hiện. Ví dụ như không cho xây nhà chặn hướng thoát nước, rõ ràng chẳng tốn tiền mà chỉ là việc thực hiện công tác quản lý cho tốt”.
Bất cập trong quản lý đô thị
Còn GS-TS Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường (Đại học Công nghiệp TPHCM) đã nhiều lần lên tiếng về việc phát triển đô thị về hướng Nam một cách không khoa học đã và đang chặn mất hướng thoát nước chính của TPHCM. Ông phân tích rằng, triều của TPHCM là “triều lành” - từ từ lên và từ từ xuống. Nếu TPHCM không bít mất hướng thoát của triều nói riêng và hướng thoát của nước nói chung thì tình trạng ngập đã không tồi tệ như hiện nay.
TPHCM là một trong 10 thành phố được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Thế nhưng, mực nước biển dâng được đo trong thời gian gần đây vẫn không tăng đáng kể, trong khi đó mực nước trong các sông, kênh của TPHCM lại tăng mạnh.
PGS.TS Hồ Long Phi đã từng làm một cuộc khảo sát và kết quả cho thấy, nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng ngập ở TPHCM là do quá trình quản lý đô thị còn nhiều bất cập gây ra. Những năm gần đây, khu vực phát sinh điểm ngập nhiều nhất không phải là những khu vực thấp trũng mà ngập cả những khu vực vốn được cho là cao ráo của thành phố như quận 12, Gò Vấp, Hóc Môn…
Như vậy, vấn đề hiện nay trong chống ngập là quản lý đô thị tốt và triển khai đồng bộ các giải pháp chống ngập. Đừng để bi kịch ngập ở Bangkok xảy ra ở TPHCM.
| |
AN NHIÊN