Theo New York Times, thủ lĩnh tinh thần tối cao Iran - Đại giáo chủ Ali Khamenei ngày 7 - 2 đã kêu gọi người dân Iran tham gia tuần hành vào ngày 10-2 tới, nhân kỷ niệm cách mạng Hồi giáo năm 1979, để thể hiện họ không sợ hãi những mối đe dọa từ Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cấm công dân Iran cùng 6 quốc gia Trung Đông khác (Iraq, Libya, Syria, Sudan, Yemen và Somalia) vào Mỹ, đồng thời liệt Iran “vào diện phải để ý” sau các vụ thử tên lửa.
Chưa thông lý lẽ
Không chỉ có Iran, ngay tại Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng lên án sắc lệnh được xem là mang tính chất kỳ thị. Theo các chuyên gia, danh sách 7 nước này không có ý nghĩa ngăn chặn các đe dọa khủng bố như chủ trương của ông Trump. Ông Trump nhiều lần khẳng định, các liên hệ mà theo ông là rõ ràng giữa các vụ khủng bố mới đây tại châu Âu và việc tiếp nhận người tị nạn theo đạo Hồi, đặc biệt là chính sách mở rộng cánh cửa với người tị nạn của Đức. Tuy nhiên, theo chuyên gia an ninh Mỹ David Ibsen, phần lớn thủ phạm các vụ khủng bố tại châu Âu và Mỹ không phải là công dân của 7 nước trong danh sách cấm. Thủ phạm 2 vụ tấn công mới đây ở Berlin (Đức) và Nice (Pháp) là 2 công dân Tunisia. Phần lớn các kẻ khủng bố nhắm vào các nước châu Âu đều gốc Bắc Phi, như Algeria, Tunisia, Morocco. Còn kẻ khủng bố nhắm vào cuộc chạy đua marathon Boston, Mỹ, năm 2013 là 2 người gốc Cộng hòa Chechnya thuộc Nga...
Một nhóm người Hồi giáo biểu tình phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh của Chính phủ Mỹ
Công luận đặt câu hỏi: Vì sao chính quyền Tổng thống Trump, trong khi tỏ ra khắc khe với 7 quốc gia Hồi giáo nói trên, lại tỏ ra hết sức nương nhẹ với rất nhiều quốc gia Hồi giáo khác, trong đó có Saudi Arabia, nơi “xuất khẩu” 15/19 thủ phạm trong vụ khủng bố ngày 11-9-2001 nhắm vào Mỹ? Lý giải về điều này, một số nhà phân tích cho rằng, chính quyền Tổng thống Trump cũng như các chính quyền Mỹ lâu nay vẫn coi Saudi Arabia là đồng minh. Ngoài ra, gia đình ông Trump còn có cơ sở làm ăn tại quốc gia vùng Vịnh này khi năm 2015, ông đăng ký 8 công ty kinh doanh khách sạn tại Saudi Arabia.
Chia rẽ, đối đầu
Tại Iraq, lệnh cấm sẽ làm suy yếu vị thế của Chính phủ Iraq thân Mỹ, tạo cơ hội cho phe đối lập thân Iran. Quốc hội Iraq kêu gọi chính phủ nước này trả đũa Mỹ bằng cách cấm công dân Mỹ, động thái có thể tạo ra sự bất lợi đối với hơn 5.000 quân nhân Mỹ đang hỗ trợ các lực lượng Iraq chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tại Iran, sắc lệnh của ông Trump sẽ giúp phe không ủng hộ việc thỏa hiệp và đàm phán với Mỹ thêm cứng rắn hơn.
Việc Iran, vốn không phải là nước “xuất khẩu” khủng bố lại bị lọt vào danh sách cấm, theo giáo sư chính trị học Pháp Mathieu Guidere, điều này có thể giải thích bởi thế đối địch tại khu vực Trung cận Đông, giữa Iran (Hồi giáo dòng Shiite) với Israel và Saudi Arabia (Hồi giáo dòng Sunni). Chính quyền Tổng thống Trump chọn đứng về phía Israel và Saudi Arabia thông qua sắc lệnh cấm nhập cảnh trên sẽ càng đẩy mạnh sự đối đầu trong khu vực Trung Đông giữa các ông lớn trong khu vực này.
Chia rẽ, đối đầu dẫn đến sự bất ổn, tạo điều kiện cho khủng bố sinh sôi, phát triển. Báo Washington Post cho hay, ngay sau khi sắc lệnh được ban bố, trên các mạng xã hội, nhiều phần tử thánh chiến Hồi giáo đã ca ngợi chiến thắng, và ông Trump như là người tuyển mộ tốt nhất các lực lượng cho phe thánh chiến.
Một cựu lãnh đạo an ninh quốc gia dưới 2 thời Tổng thống Georg W.Bush và Barack Obama, bà Farah Pandith, nhận xét: Sắc lệnh của ông Trump mang lại lợi thế cho IS. Thông qua sắc lệnh này, nhiều người hiểu là Chính phủ Mỹ chống lại người Hồi giáo với lý do tôn giáo và điều này sẽ có một tác động tiêu cực về dài hạn đến an ninh quốc gia của Mỹ.
ĐỖ CAO (tổng hợp)