Ngày 9-11, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII đã khai mạc tại Bắc Kinh với nội dung thảo luận tập trung vào vấn đề thúc đẩy cải cách kinh tế một cách toàn diện. Theo Tân Hoa xã, hội nghị này “sẽ là một bước ngoặt, khi những chính sách kinh tế mạnh mẽ được công bố”.
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu
Trước thềm hội nghị lần này, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, nhân dân Trung Quốc đang theo đuổi giấc mơ có cuộc sống tươi đẹp, cũng là mong muốn của nhân dân các nước trên thế giới và có liên hệ mật thiết đến giấc mơ Trung Quốc. “Dù Trung Quốc đã đạt được những thành tựu không nhỏ, nhưng vẫn chỉ là những bước đầu trên con đường tiến tới chủ nghĩa xã hội. Phát triển Trung Quốc là trọng trách to lớn, cải cách toàn diện để nâng cao đời sống nhân dân chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu”, ông Tập Cận Bình khẳng định.
Theo Tân Hoa xã, hội nghị tiến hành trong 4 ngày, với sự tham dự của 376 Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ xem xét thông qua “Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề trọng đại trong đi sâu cải cách toàn diện”. Đây được coi là văn kiện xác định tinh thần chung trong công cuộc cải cách toàn diện của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
Trước đó, Trung tâm nghiên cứu phát triển của Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố báo cáo vạch ra 8 trọng tâm cần cải cách. Đó là cải cách tài chính, thuế, chính sách đất đai, quản lý tài sản công, phúc lợi xã hội, thành tựu đột phá, đầu tư nước ngoài và quản trị công.
Phiên bản cải cách 2.0
Giáo sư Lưu Thụy, Phó Viện trưởng Học viện Kinh tế, Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng các phương án cải cách lần này là “phiên bản nâng cấp 2.0 của đợt cải cách năm 1992” với nội dung chính là bàn thảo phương án đi sâu cải cách toàn diện, nhằm thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục phát triển, giúp Trung Quốc thực hiện mục tiêu hoàn thành công cuộc xây dựng xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020. Theo ông Lưu Thụy, nội dung chính về cải cách gồm:
Thứ nhất, mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường, chuyển đổi chức năng kinh tế của chính phủ. Đây có thể là vấn đề cốt lõi nhất. Trong đợt cải cách trước, Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng hệ thống điều tiết vĩ mô nhưng lại tập trung quá nhiều quyền lực về chính quyền trung ương, lần cải cách này có thể sẽ điều chỉnh lại. Cải cách lần này cũng sẽ giải quyết tình trạng chính quyền địa phương can dự quá nhiều vào hoạt động kinh tế. Chính quyền địa phương can thiệp một cách quá sâu mạnh trong các hoạt động kinh tế tạo ra chủ nghĩa bảo hộ địa phương, gây khó cho việc thành lập hệ thống thị trường thống nhất trên toàn quốc, khiến kênh thu hút vốn của chính quyền địa phương ngày càng lớn, rủi ro tài chính ngày càng cao. Tuy nhiên, đợt cải cách lần này không thể ngay lập tức xóa bỏ toàn bộ vai trò của chính quyền địa phương đến kinh tế, mà hạn chế quyền đó trên một số lĩnh vực.
Hai là, phát huy tổ chức xã hội, bảo đảm quyền lợi của nhân dân, giải quyết vấn đề thu nhập không công bằng. Trong lần này, vấn đề cải cách thu nhập sẽ được đưa vào trong phương án tổng thể; nhấn mạnh đến “thiết kế tầm cao”, tức là mọi phương diện cải cách đều được đề cập và giải quyết một cách toàn diện và tổng thể, không để vấn đề đơn lẻ hóa.
Ba là, tăng sức sống cho nền kinh tế, nhằm đảm bảo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng bền vững, lâu dài. Ở đây sẽ liên quan đến việc hạn chế độc quyền, xây dựng cơ chế sáng tạo, thu hút cá nhân, xã hội cùng tham gia hoạt động kinh tế.
Trong khi giới truyền thông dùng nhiều thuật ngữ chính trị, kinh tế để miêu tả về tầm vóc của Hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thì người dân lại tỏ ý quan tâm ở các khía cạnh thực tế sát sườn: |
VIỆT ANH (tổng hợp)