Thời tiết khắc nghiệt trong những ngày cuối năm này vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống xã hội châu Âu và Mỹ, nhất là lĩnh vực giao thông. Các chuyên gia thời tiết cho rằng, cơn bão tuyết trong những ngày qua, cũng giống như đợt hạn hán mùa hè rồi, là hậu quả của biến đổi khí hậu.
Châu Âu và Mỹ kẹt cứng trong giá rét
Mùa này là mùa bận rộn nhất của Mỹ, hàng triệu người Mỹ tận dụng kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới để trở về nhà hoặc đi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, bão tuyết khiến giao thông hàng không và đường bộ hỗn loạn, dẫn đến kế hoạch đi lại của nhiều người dân bị gián đoạn. Thời tiết lạnh giá đã bao phủ nhiều thành phố lớn ở bờ Đông nước Mỹ.
Tại sân bay Kennedy ở thành phố New York, hàng trăm chuyến bay vận chuyển hành khách bị buộc phải tạm hoãn trong hàng giờ liền, khiến hàng chục ngàn hành khách bị mắc kẹt trong sân bay. Xe điện, xe buýt thì bị tắc nghẽn trên các đường phố ngập tuyết. Các lực lượng cứu hộ đang nỗ lực giải cứu các phương tiện giao thông bị mắc kẹt trên đường phố. 6 bang Massachusetts, Maine, New Jersey, Maryland, Virginia và North Carolina… phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Trong khi đó, ở Berlin đang trải qua những ngày đông giá rét nhất, với lớp tuyết dày lên tới 40cm, mức cao nhất trong vòng 110 năm qua. Khoảng 3,4 triệu người dân Berlin đã phải đón một “Giáng sinh trắng”.
Trong khi đó, tại Bornholm, hòn đảo du lịch nằm ở điểm cực Đông của Đan Mạch trên biển Bantích, cũng đang trải qua một mùa đông hết sức khắc nghiệt, trở thành một trong những khu vực có lượng tuyết rơi nhiều nhất tại châu Âu.
Tại Nga, đã có 8 sân bay lớn bị ảnh hưởng, trong đó các sân bay Sheremetyevo, Vnukovo và Domodedovo ở thủ đô Mátxcơva đã buộc phải đóng cửa do thời tiết xấu, tuyết rơi dày. Hàng trăm chuyến bay từ ba sân bay này đã bị lùi giờ bay, đẩy hàng chục ngàn hành khách vào cảnh “ăn chực nằm chờ” tại nhà ga. Các nhà thờ tại Nga đã mở cửa để hàng ngàn hành khách bị mắc kẹt trong bão tuyết có chỗ nghỉ ngơi tạm trong thời điểm giá rét hiện nay.
Giao thông đường sắt và đường bộ tại Nga, trong đó có thủ đô Mátxcơva, cũng bị rối loạn nghiêm trọng. Hàng trăm chuyến tàu điện liên tỉnh phải ngừng hoạt động do mất điện, hàng trăm công trình xã hội cũng phải đóng cửa.
Bài học từ thảm họa thiên nhiên
Trong suốt hơn một tháng qua, cái lạnh buốt giá đã tấn công nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ. Mùa đông đến sớm hơn mọi năm. Nhiệt độ tại nhiều nước xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Những nghiên cứu mới nhất cho thấy, hiện tượng này có liên quan mật thiết đến biến đổi khí hậu toàn cầu.
Một công trình nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Học viện Potsdam được đăng tải trên Tạp chí Geophysical Research đã khẳng định, thủ phạm của đợt lạnh giá đang tấn công châu Âu là do khí hậu toàn cầu ấm lên khiến băng ở Bắc cực tan ra. Do khí hậu ở Bắc cực ấm lên, trong vòng 30 năm qua, diện tích băng bao phủ Bắc cực đã giảm đi hơn 20%. Khi các đại dương không còn băng bao phủ nữa, chúng sẽ giải phóng hơi ấm vào không khí, ảnh hưởng đến sự tuần hoàn của khí quyển.
Kết quả, không khí lạnh ở các vùng cực do tác động của hệ thống áp suất cao quay ngược trở lại vùng lục địa châu Âu, tạo nên mưa tuyết và thời tiết lạnh giá ở khu vực này. Các số liệu của Tổ chức Khí tượng thế giới cũng cho thấy, năm 2010 sẽ trở thành 1 trong 3 năm có nhiệt độ trung bình cao nhất kể từ năm 1850, khi con người bắt đầu ghi chép về nhiệt độ.
Các chuyên gia về môi trường đã thống kê lại hàng loạt các thiên tai xảy ra trong năm 2010. Thảm họa động đất xảy ra tại Haiti khiến 220.000 người thiệt mạng, gây ra nạn dịch tả khiến 2.700 người thiệt mạng. Nga hứng chịu thảm họa cháy rừng. Pakistan rúng động vì trận lụt lịch sử. Họ cho rằng từ những thiên tai này có thể rút ra nhiều bài học để cứu Trái đất trước những thảm họa thiên nhiên có thể xảy ra trong thời gian tới.
Bảo vệ sự đa dạng sinh học và môi trường trên Trái đất là một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay, vì thiên nhiên và môi trường chính là lớp lá chắn bảo vệ vững vàng cho con người trước những thảm họa.
Nói như ông Michael Giesen, 66 tuổi, người Đức, hiện vì mắc kẹt nhiều giờ liền tại sân bay Chicago khi đang du lịch tại Mỹ: “Có lẽ cách tốt nhất là nên học cách lắng nghe thiên nhiên nhiều hơn”.
Thanh Hằng