Cứ đến ngày khai trường, người nào cũng nhớ đến thuở lên 6 tuổi được cha mẹ dắt đến trường. Mới đây mà ngày ấy giờ đã xa rồi. Có người chỉ mới hai, ba mươi năm, nhưng cũng có người vỗ vỗ đầu nhẩm đếm: Ừ, cũng đã lâu rồi nhỉ! Cô cậu bé ngày nào còn thút thít đến trường, nay có người đã trở thành ông bà.
Cho dù hai, ba mươi năm hoặc lâu hơn đi nữa, hình ảnh ngôi trường tiểu học và cô giáo lớp một vẫn ghi đậm trong ký ức hơn các thầy cô giáo lớp khác. Có lẽ vì chính cô giáo ấy là người đầu tiên nắm tay dẫn họ vào thế giới của tri thức qua từng con chữ a, b, c. Ngày xưa, cứ lớp 1, lớp 2 phải là cô giáo dạy, còn thầy giáo chỉ dạy lớp 4, lớp 5 trở lên.
Cô giáo tôi năm ấy rất hiền. Cô dạy chúng tôi từ cách ngồi viết, cầm tay từng đứa, chỉ từng chút, tỉ mỉ một cách kiên trì. Giờ tập viết cả lớp yên lặng, chỉ còn nghe tiếng viết sột soạt trên vở.
Tan trường, ít có cha mẹ nào đến rước con. Có anh, có em học chung trường thì đứa anh dẫn đứa em về, còn không có anh em thì đi cùng anh chị học lớp trên ở gần nhà. Đám trẻ lũ lượt đi bộ hay đạp xe về nhà; chuyện đi bộ hai, ba cây số đến trường là chuyện thường tình.
Học tiểu học ngày xưa miễn phí, nghèo giàu đều học được. Càng không bận tâm ba cái vặt vãnh như giấy bao tập, tập tô màu theo đúng quy chuẩn… Còn quần áo thì cứ quần xanh, áo sơ mi trắng, đâu cần áo kiểu mới, đầm xòe, dây vắt… Nhất là ngày xưa, không có học thêm. Còn bây giờ ôi thôi, học thêm đến tối mù ở nhà cô giáo. Thôi thì “ Ở bầu thì tròn…” theo học trường phải chấp nhận các quy định tủn mủn tốn tiền trên. Chỉ thương bao trẻ em nghèo không được đến trường bởi những quy định đầu tiên là… tiền đâu!
Những chuyện ấy nhỏ xíu, khi nhắc lại, nhiều người bảo: Xưa rồi ! Bây giờ mọi cái đã đổi thay, trường của người ta là trường hiện đại, chắc phải khác rất xa với cái trường làng thuở ấy.
Nguyên An