Trường không hiệu trưởng

Giáo viên bằng B đứng lớp
Trường không hiệu trưởng

Nằm ngay dốc cầu Kinh, khu Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh, TPHCM), những người thành lập Trường ngoại ngữ Anh Việt Úc (số 41 Bình Quới) có tham vọng chiếm lĩnh một thị phần giáo dục ở một địa bàn đông học sinh với nhiều trường THPT, THCS… Thế nhưng qua xác minh từ thông tin bạn đọc phản ánh, cho thấy đằng sau tấm bảng hiệu màu đỏ hoành tráng, bên trong lại lắm chuyện bệ rạc.

Quảng cáo tuyển sinh khá kêu của trường sắp giải thể.
Quảng cáo tuyển sinh khá kêu của trường sắp giải thể.
Quảng cáo tuyển sinh khá kêu của trường sắp giải thể.

Quảng cáo tuyển sinh khá kêu của trường sắp giải thể.

Giáo viên bằng B đứng lớp

Năm 2011, Công ty cổ phần Thuận Lực (số 50/1 Bình Quới) đã thành lập cơ sở ngoại ngữ Anh Việt Úc theo giấy phép số 15/11/GP-GDTX do Sở GD-ĐT TPHCM cấp ngày 18-4-2011. Theo giấy phép, trường do bà Dương Trần Thy Diễm làm hiệu trưởng, được tổ chức dạy Anh văn thiếu nhi, Anh văn trình độ A, B, C. Mặc dù giấy phép xác định địa diểm trường tại số 50/1 nhưng thực tế công ty thuê nhà mở trường tại số 41 Bình Quới. Không lâu sau đó, bà Diễm sang nhượng cổ phần cho bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, từ đó bà Dung mặc nhiên điều hành toàn bộ công ty và hoạt động của trường, dù không đúng theo giấy phép do Sở GD-ĐT TPHCM cấp.

Mặc dù trương bảng hiệu là “nơi đào tạo chuyên nghiệp bằng cấp quốc tế - Toeic, Toefl, Ielts”, nhưng thực chất lực lượng giáo viên ở đây chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết chưa tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngoại ngữ, kiến thức nghèo nàn, chưa có kinh nghiệm giảng dạy, thậm chí còn dạy sai 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết). Một trong những giáo viên đứng lớp là bà Dung, theo tài liệu chúng tôi thu thập được, chỉ tốt nghiệp Cao đẳng Văn hóa - Du lịch và trình độ B ngoại ngữ đạt loại… trung bình. Các giáo viên còn lại, trường không ký hợp đồng lao động, kể cả một giáo viên nước ngoài được trường mời dạy cũng không có giấy phép lao động do Sở Ngoại vụ cấp. Ngày 12-10-2012, Thanh tra Sở LĐTB-XH đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính cơ sở ngoại ngữ Anh Việt Úc, phạt 20,1 triệu đồng vì hành vi không đóng bảo hiểm xã hội cho 11 lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm bắt buộc và sử dụng lao động người nước ngoài không có giấy phép lao động.

Dù vậy, đến nay trường vẫn tiếp tục treo băng rôn quảng cáo “luyện giọng và giao tiếp tiếng Anh giọng Mỹ - bảo đảm 3 tháng nói chuẩn giọng Mỹ”(!?) để thu hút học sinh và còn liên kết với Công ty DTU để tư vấn du học, “dạy toán song ngữ, luyện SAT”…

Câu trả lời: Sắp giải thể!

Chiều ngày 7-8, chúng tôi đến trường. Đã gần 18 giờ mà chỉ thấy loe hoe vài ba học sinh. Cô nhân viên văn phòng cho biết: “Hồi trước học trò đông lắm, bây giờ chỉ còn mấy lớp Anh văn thiếu nhi, chủ yếu học ngày thứ bảy, chủ nhật”. Tiếp chúng tôi với vẻ mệt mỏi, chán nản, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung nói: “Nói thật, chúng tôi đã nộp đơn và sắp giải thể trường rồi”. Trả lời câu hỏi về chuyện chất lượng giáo viên chỉ có bằng B, bà Dung không phủ nhận và cho rằng: “Vì yêu nghề và thấy có khả năng đứng lớp nên mới tham gia giảng dạy”. Và khi nhận được thông tin về các đơn thư tố cáo, bà đã không còn tham gia giảng dạy. Bà Dung cũng thừa nhận những sai phạm của trường dẫn đến việc Thanh tra Sở LĐTB-XH phải ra quyết định xử phạt, và những thiếu sót trong việc trường hoạt động không đúng theo giấy phép do Sở GD-ĐT cấp. Bà Dung than: “Khó khăn hiện nay là thiếu vốn, nên dẫn đến việc không thể mở rộng, nâng cấp hoạt động của trường. Số lượng học sinh ít, thu không đủ thì làm sao trả nổi tiền thuê nhà, tiền lương cho giáo viên”. Chúng tôi thắc mắc nếu thiếu vốn tại sao trường còn căng băng rôn tuyển sinh, mở thêm dịch vụ tư vấn du học, bà Dung trả lời: “Treo vậy thôi, nay mai tụi tôi cho tháo liền”.

Cũng không đơn giản như bà Dung nói, vì còn chuyện cần phải được giải quyết trước khi giải thể trường là làm sao đảm bảo quyền lợi của học sinh - do khi đăng ký học tại đây, các học sinh phải đóng tiền trước từ 3 đến 6 tháng. Trả lời về việc này, bà Dung cho biết: “Sẽ trao đổi với học sinh và phụ huynh, mong họ chia sẻ những khó khăn của trường. Và cũng có thể chúng tôi sẽ thuê một địa điểm nhỏ hơn để tiếp tục dạy cho các em”. 

Những tranh chấp của các cổ đông Công ty Thuận Lực và Trường Anh Việt Úc sẽ còn tiếp tục, và là chuyện nội bộ của họ. Vấn đề đặt ra ở đây là: Vai trò quản lý nhà nước của ngành giáo dục ở đâu khi cấp phép cho một trường mà hiệu trưởng cũ đã nghỉ lúc nào chẳng biết, hiệu trưởng mới là ai cũng chẳng có, nói gì đến chuyện quản lý chất lượng giáo viên, chương trình giảng dạy?

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục