Ngày 3-7, Ban VH-XH HĐND TPHCM đã có buổi làm việc với Sở Tài chính, Sở KH-ĐT TP nghe báo cáo tiến độ thực hiện đầu tư công tại các trường nghề trực thuộc các Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở GT-VT; tình hình thực hiện các dự án đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề trên địa bàn TP.
Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, tính đến nay, có 5 dự án đầu tư công đang được triển khai thực hiện tại các trường nghề trực thuộc các sở: Xây dựng (1 dự án), Công thương (2 dự án), GT-VT (2 dự án), với tổng mức đầu tư là gần 550 tỷ đồng. Ngoài ra, tính từ năm 2016 đến nay, đã có 42 dự án đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề trên địa bàn TP được sử dụng từ nguồn vốn đầu tư phát triển của ngân sách TP với tổng vốn đầu tư 4.800 tỷ đồng (21 công trình chuyển tiếp, 11 công trình khởi công mới, 10 công trình chuẩn bị đầu tư).
Cũng theo Sở KH-ĐT, từ khi UBND TP ra quyết định số 2567/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp TP đến năm 2020, thông qua ngân sách TP đầu tư cho 2 trường nghề chất lượng cao và 6 trường được lựa chọn nghề trọng điểm, đến nay, sở mới nhận được 7 hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư. Tương tự, triển khai Quyết định số 2804/QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng TP (giai đoạn 2016 - 2020), cụ thể là thông qua ngân sách TP đầu tư ngành mũi nhọn cho 7 trường, đến nay sở chỉ mới nhận được 2 hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư của các trường.
Sở KH-ĐT nhận định, tiến độ thực hiện các chương trình kế hoạch đẩy mạnh chất lượng giáo dục hiện nay còn chậm. Đối với các dự án đầu tư phát triển giáo dục, qua quá trình thẩm định theo quy định của Luật Đầu tư công chỉ có 8 dự án đủ thủ tục trình cấp thẩm quyền phê duyệt, 7 dự án chưa đủ thủ tục trình cấp thẩm quyền. Nguyên nhân do hồ sơ chưa đảm bảo thủ tục theo quy định, nhiều đơn vị chưa gửi hồ sơ đề xuất.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban VH-XH nhận định, thực tế hiện nay nhiều trường đào tạo nghề chưa thực sự đầu tư nhiều cho trang thiết bị đào tạo, dẫn đến thí sinh dự thi, học tập tại các trường hiệu suất chưa cao, đào tạo ra không có việc làm, nhiều trường đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp thực hiện chưa tốt. Nghịch lý là, có trường cơ sở vật chất nhiều nhưng số lượng học viên chưa đảm bảo. Do vậy, bà Nhung cho rằng các trường cần chú trọng vào đầu tư cơ sở vật chất, trường, lớp, chất lượng đào tạo… để đảm bảo được yêu cầu của doanh nghiệp.