Truyền nước biển không đúng và phù hợp bệnh lý - Biến chứng khó lường

Sau cái chết mới đây của học sinh Đoàn Quốc Huy (học sinh lớp 10K9 Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn) do bị sốc khi truyền dịch (nước biển) khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Thực tế cho thấy, truyền nước biển hiện nay rất phổ biến nếu không nói là lạm dụng. Tuy nhiên, việc truyền dịch không có chỉ định của bác sĩ, không có trang thiết bị chống sốc khiến nguy cơ tử vong rất cao… Xung quanh vấn đề này, BS Đỗ Công Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Cấp cứu Trưng Vương TPHCM, cho biết không phải cứ truyền nước biển là tốt nếu không đúng chỉ định.

Sau cái chết mới đây của học sinh Đoàn Quốc Huy (học sinh lớp 10K9 Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn) do bị sốc khi truyền dịch (nước biển) khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Thực tế cho thấy, truyền nước biển hiện nay rất phổ biến nếu không nói là lạm dụng. Tuy nhiên, việc truyền dịch không có chỉ định của bác sĩ, không có trang thiết bị chống sốc khiến nguy cơ tử vong rất cao… Xung quanh vấn đề này, BS Đỗ Công Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Cấp cứu Trưng Vương TPHCM, cho biết không phải cứ truyền nước biển là tốt nếu không đúng chỉ định.

°PV: Thưa bác sĩ, trong những trường hợp nào thì được chỉ định truyền nước biển?

°BS Đỗ Công Tâm: Truyền dịch là một biện pháp trong điều trị y khoa. Mục đích là bù đắp lượng nước và điện giải thiếu hụt trong các trường hợp bệnh lý cấp cứu nội khoa, ngoại khoa. Ví dụ điều trị chống mất nước trong bệnh lý tiêu chảy cấp, trong sốc do sốt xuất huyết…; bù đắp nước và điện giải cho bệnh nhân không thể ăn uống được khiến sức khỏe suy kiệt. Ngoài ra, truyền dịch cũng có thể chỉ định để pha với các thuốc đặc trị đưa vào cơ thể bệnh nhân.

°Được biết có rất nhiều loại dịch truyền hiện nay được sử dụng trong các cơ sở y tế cũng như ngoài thị trường. Những loại dịch nào được sử dụng phổ biến, thưa bác sĩ?

°Các loại dịch truyền phổ biến hiện nay có loại ngọt (Glucose), mặn (Cloruanatri) và mặn + điện giải (Lactate Ringer) và đạm (gồm nhiều loại như Amino Plasma, Alversin, Acid Amin…). Việc chỉ định dùng từng loại dịch truyền là do bác sĩ quyết định tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và bệnh lý của người bệnh. Ví dụ trong các trường hợp sốc do mất nước, mất máu được ưu tiên dùng dịch mặn và Lactate Ringer. Dịch truyền ngọt thường dùng cho các trường hợp ăn uống không được, hạ đường huyết… Còn đạm thường chỉ định cho các bệnh nhân suy kiệt, đạm máu giảm, suy dinh dưỡng…

°Hiện không ít trường hợp người bệnh khi đến khám bệnh hoặc cấp cứu tại các phòng mạch tư, các bác sĩ thường cho truyền dịch luôn. Điều này có phù hợp, thưa bác sĩ?

°Theo tôi, nên truyền dịch tại các cơ sở y tế (bệnh viện) bởi được trang bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị chống sốc và được chỉ định của bác sĩ. Còn phòng mạch tư, theo tôi được biết hiện không được phép truyền dịch. Còn việc truyền dịch như thế nào là tùy theo chỉ định cho bệnh lý bệnh nhân. Có thể truyền dịch nhanh hoặc chậm, chẳng hạn trong trường hợp bệnh lý tiêu chảy thì phải truyền nhanh để bù nước, nhưng bệnh nhân suy tim thì truyền chậm.

°Những tai biến nào có thể xảy ra khi truyền dịch, thưa bác sĩ?

°Đó là nhiễm trùng tại chỗ đâm kim, phù nề do kim xuyên thủng tĩnh mạch, thuyên tắc khí (không khí lọt vào đường truyền), phù phổi cấp do truyền dịch quá nhanh hoặc quá nhiều. Đặc biệt, nếu truyền dịch không đúng chỉ định bệnh lý hoặc có pha hóa chất khiến cơ địa không đáp ứng sẽ dẫn đến sốc phản vệ. Trước đây thường gặp sốc phản vệ do truyền dịch pha thêm thuốc có hoạt chất Vitamin B1 và rất dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

°Thực tế cho thấy nhiều người, nhất là người lớn tuổi cứ thấy ăn không ngon miệng, ngủ không ngon giấc, trong người mỏi mệt là đi truyền nước biển.
 
°Không phải cứ truyền dịch là tốt. Nhiều người cứ quan niệm mỏi mệt thì truyền nước biển cho khỏe nhưng thực ra đó là sự lạm dụng. Cần hiểu rằng dịch truyền cũng là một loại thuốc và nếu sử dụng không đúng, không phù hợp với bệnh lý sẽ dẫn đến các biến chứng khó lường.

Qua tìm hiểu của PV SGGP, trong những tuần qua do thời tiết nắng nóng liên tục khiến không ít người già, trẻ em trở bệnh, nhất là tiêu chảy, mất nước, suy kiệt do ăn uống kém. Vì vậy không ít người đến khám tại các phòng mạch, bệnh viện và yêu cầu truyền dịch.

Trước thực trạng này, BS Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TPHCM, khuyến cáo không nên tự ý mua dịch truyền về nhà truyền hoặc truyền dịch tại các phòng mạch tư mà nên đến các bệnh viện để được khám và tư vấn truyền dịch một cách an toàn.

QUỲNH CHI (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục