Để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, TS Lê Trường Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội ĐH-CĐ ngoài công lập cho rằng cần phải đổi mới quan điểm về tài chính giáo dục, trong đó bao gồm cả vấn đề xã hội hóa và thu hút đầu tư. TS Lê Trường Tùng cho biết:
Thực tiễn hiện nay so với các nước khác, phần trăm ngân sách chi cho giáo dục Việt Nam đang ở dạng cao nhất; tỷ lệ sinh viên tư/sinh viên công lại thấp nhất. Việt Nam đã chi tối đa ngân sách cho giáo dục (20% ngân sách), và ôm đồm quá nhiều sinh viên trường công (86 sinh viên trường công/14 sinh viên trường tư). Bức tranh này ngược hẳn mô hình phát triển bình thường của các nước trong khu vực. Vì đầu tư như vậy, suất đầu tư ngân sách/sinh viên thấp, dẫn đến chất lượng thấp là điều không tránh khỏi.
Về tiêu chí tỷ lệ học sinh công/tư, lẽ ra cấp học càng cao, mức độ xã hội hóa càng nhiều, nhưng bức tranh giáo dục Việt Nam đang hoàn toàn ngược lại: tỷ lệ xã hội hóa giáo dục mầm non mẫu giáo là cao nhất, sau đó đến trung học và thấp nhất là xã hội hóa giáo dục sau phổ thông.
Đó là chưa kể, hiện có hiệu ứng xã hội tập trung “ném đá” phê phán xã hội hóa ĐH-CĐ, xem các nhà đầu tư ĐH-CĐ như tội đồ chạy theo lợi nhuận. Nếu trong giai đoạn phát triển cần thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội hóa giáo dục hiện nay mà lại luôn nhấn mạnh yếu tố phi vụ lợi thì sẽ không đạt được mục tiêu thu hút đầu tư giáo dục đa thành phần.
* PV: Vậy đâu là mô hình đầu tư giáo dục lý tưởng nhất?
* TS LÊ TRƯỜNG TÙNG: Giáo dục là lĩnh vực mang tính xã hội - nhân văn. Mô hình đầu tư giáo dục lý tưởng nhất, nhà nước dùng ngân sách đầu tư toàn bộ để xây dựng một nền giáo dục chất lượng cao, học tập miễn phí ở tất cả các cấp học. Đây là mong muốn của mọi nhà nước do dân, vì dân. Vì việc gắn giáo dục với yếu tố thị trường bao giờ cũng có những mặt trái không ai mong muốn. Mong muốn nhiều nhưng thực lực có hạn, vì vậy, đầu tư vào giáo dục ở Việt Nam phải có sự tính toán. Trong đề án đổi mới giáo dục lần này, chúng ta cần đặt mục tiêu phổ cập giáo dục phổ thông bắt buộc và phải là giáo dục phổ thông có chất lượng (hệ 9 năm - cùng các năm nhà trẻ mẫu giáo), học sinh đi học không phải đóng bất cứ khoản phí nào. Đây cũng là ưu việt XHCN cần hướng tới và thực hiện sớm. Hy vọng rằng có thể tính toán để có ngân sách đủ chi việc này. Cần nói thẳng, dù rất muốn nhà nước cũng không đủ tiền chi cho giáo dục sau phổ thông miễn phí, kể cả chấp nhận chất lượng thấp.
* Tức là Nhà nước chỉ nên đầu tư đến hệ phổ thông, thậm chí học sinh đi học không mất tiền. Còn sau phổ thông hoàn toàn xã hội hóa?
* 50 năm trở lại đây, bức tranh giáo dục đã có sự thay đổi lớn ở quy mô toàn cầu, trong đó một trào lưu không quốc gia nào cưỡng nổi, hiện tượng đại chúng hóa giáo dục sau phổ thông. Số liệu thống kê của hầu hết các quốc gia cho thấy rõ điều này. Số lượng sinh viên ngày càng đông. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nếu 50 năm trước đây, ai đó ở Việt Nam có học vấn tiểu học, trung học đã là tinh hoa xã hội, giờ đây có bằng đại học, thậm chí trên đại học cũng chưa chứng tỏ điều gì.
Cần thấy rằng, có đủ kinh phí cho hệ thống giáo dục sau phổ thông trở thành nhiệm vụ không thể kham nổi của ngân sách quốc gia. Các nước giàu có ở Tây Âu cũng phải chấp nhận thu và tăng học phí đại học công. Việt Nam không nằm ngoài quy luật này: số sinh viên bùng nổ, tăng nhanh chóng, từ lâu ngân sách nhà nước, dù co kéo để dành tối đa cho giáo dục, dù cố tăng hàng năm (hiện 20% chi ngân sách và đến ngưỡng không tăng thêm được nữa vì còn chi cho y tế, quốc phòng an ninh, phúc lợi xã hội khác…), đã không đáp ứng được nhu cầu khi số lượng sinh viên tăng và đòi hỏi về chất lượng đào tạo cao của xã hội cũng như của người học.
Chúng ta muốn chất lượng đào tạo tốt, thậm chí xem đây là mục tiêu số một, mục tiêu không được phép thỏa hiệp; cả xã hội đồng thanh nói không với chất lượng giáo dục thấp, nhưng nhà nước không đủ nguồn tài chính cần thiết thực hiện việc này. Đây là thực tế không được phép né tránh, phải đối mặt và nhìn nhận rõ ràng trong đề án đổi mới giáo dục Việt Nam lần này. Việc giải quyết mối quan hệ giữa 3 yếu tố: chất lượng đào tạo (sau phổ thông) yêu cầu ngày càng cao; nguồn lực đầu tư giáo dục (từ nhà nước) hạn chế; số lượng sinh viên bùng nổ là một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt. Nếu không làm rõ vấn đề này thì những gì nêu trong đề án đổi mới giáo dục chỉ là khẩu hiệu và duy ý chí.
* Vậy trong điều kiện hiện nay, khi quy mô ĐH-CĐ ngày càng lớn, Nhà nước không nên kham mà nên thả để xã hội đầu tư?
* Tôi chỉ lấy ví dụ thế này thôi, nếu đặt chất lượng giáo dục lên hàng đầu, về mặt nguyên tắc, chỉ cần giảm số sinh viên đi 10 lần (hạn chế chỉ tiêu), lúc đó suất đầu tư vào mỗi sinh viên cũng tăng lên 10 lần, tức là đủ tiền đề để nâng cao chất lượng đào tạo. Lời giải ở đây là: Với giáo dục phổ thông, nhà nước đầu tư tối đa để phổ cập với chất lượng tốt, tạo điều kiện để ai cũng có cơ hội hưởng thụ nền giáo dục chất lượng cao. Với giáo dục sau phổ thông ngân sách Nhà nước chỉ nên tập trung vào đào tạo các ngành thiết yếu (xã hội, khoa học, văn hóa…); đào tạo nhân tài; hỗ trợ sinh viên nghèo, cùng với đó thu hẹp số lượng sinh viên trường công để duy trì suất đầu tư/sinh viên cao đủ để đảm bảo chất lượng. Còn lại, nên tăng cường xã hội hóa giáo dục, có chính sách để thu hút mạnh mẽ đầu tư đa thành phần vào lĩnh vực đào tạo ĐH-CĐ như một dạng dịch vụ. Dĩ nhiên, khi đã mở rộng cho đầu tư vào ĐH-CĐ thì phải tăng cường kiểm soát chất lượng.
| |
PHAN THẢO thực hiện