Hồi đi học, thế hệ chúng tôi hay ghi cho nhau những “tự bạch”, đại để là yêu gì, ghét gì, ước mơ làm gì… Nhớ lại những tự bạch hồi đó cũng thấy thật vui. Sau này, đọc những tự bạch của Mác (đúng ra là những câu Mác trả lời con gái), tôi nhận ra đó là sự phản ánh cả một thế giới quan, nhân sinh quan của một người. Trong việc dạy con, tôi thấy cha mẹ cũng nên có những tự bạch cho con.
Tự bạch dành cho con là các ghi nhận của cha mẹ về sở thích, cũng như các suy nghĩ, quan niệm về cuộc sống. Ghi tự bạch cho con có nhiều điều ý nghĩa. Đó là một kênh thông tin mà qua đó, con cái có thể cảm thấy gần gũi, gắn bó với cha mẹ hơn, bởi trẻ sẽ hiểu được thực ra ba mẹ mình là người thế nào, có sở thích gì, có quan niệm sống ra sao… Đó là sự trao đổi tình cảm, chia sẻ hiểu biết, nhận thức, gửi gắm mong muốn của bản thân đối với con cái. Đó là sự răn dạy, dặn dò một cách kín đáo, nhẹ nhàng đối với con. Đó cũng là sự “rà soát” lại bản thân của các bậc cha mẹ về một số nhận định, từ đó khẳng định, làm rõ hơn đối với một số quan niệm, một số vấn đề…
Tự bạch hẳn nhiên phải phản ánh một nhận thức tương đối thống nhất, xuyên suốt. Chẳng hạn, với câu hỏi: “Ba/mẹ thích nhà văn nào nhất?”, bạn không thể lúc ghi là Nam Cao, lúc khác bảo là Nguyễn Huy Thiệp, lúc lại là Nguyễn Ngọc Tư... Cái yêu thích đó phải được đúc kết, so sánh trong nhiều dữ liệu và phải được “thẩm định” bằng một định hướng, những tiêu chí riêng rõ ràng, như đã đọc những tác phẩm nào, yêu thích những nhân vật nào, tán đồng những quan điểm nào…
Cũng như vậy, trả lời câu hỏi: “Câu châm ngôn mà ba/mẹ yêu thích nhất?”, phải là sự đúc kết về các quan niệm sống, từ sự ghi nhận các châm danh ngôn, danh ngôn, thành ngữ, tục ngữ, rồi phải suy ngẫm, chọn lọc… Từ đó, câu trả lời phải là sự phản ánh một cách sống, một thái độ chứ không dừng lại việc yêu/ghét, thích/không thích nữa…
Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy rằng mình phải tự trả lời cho mình một quan niệm sống, chứ không còn nêu ra cho có với con. Chẳng hạn, với câu hỏi “Câu cách ngôn mà cha yêu thích nhất”, Mác trả lời: “Không cái gì thuộc về con người, mà xa lạ đối với tôi” còn tôi thì chọn: “Rồi điều đó cũng sẽ qua thôi”. Các con tôi sẽ hỏi: “Vì sao ba chọn?”, tôi cũng chuẩn bị câu trả lời: đó là một triết lý sống, rằng mọi thứ sẽ thay đổi, không bao giờ bất biến; lúc “bĩ cực” rồi cũng sẽ đến hồi “thái lai”. Triết lý đó giúp chúng ta không tự mãn khi thành công, không nản chí khi thất bại, miễn là mình luôn cố gắng. Tôi nghĩ, các con tôi hoàn toàn có thể chia sẻ và lĩnh hội được ý nghĩa của câu châm ngôn này.
Tự bạch cho con là để dạy con mà cũng là cho bản thân mình. Cho nên, các bậc cha mẹ có thể chú tâm lập một bảng các câu tự bạch mà mình cho là ưng ý nhất để chia sẻ với con, để động viên con sống tốt hơn mà cũng chính là để tự răn mình. Điều đó hẳn có ý nghĩa tích cực cho các thành viên trong gia đình.
Trúc Giang