“Tự bơi” môn kỹ năng sống

Với những khoảng trống về cách ứng xử, kỹ năng thực hành xã hội nơi học sinh, việc dạy kỹ năng sống đã và đang trở thành một yêu cầu bức thiết trong trường học. Năm học 2011-2012, ngành giáo dục bắt đầu triển khai đại trà môn kỹ năng sống trong nhà trường. Tuy nhiên, việc thực hiện và triển khai làm sao cho hiệu quả vẫn đang là bài toán chưa có lời giải, khi phần lớn giáo viên và các trường hiện nay vẫn phải… tự bơi mà chưa có “phao” bảo hộ.
“Tự bơi” môn kỹ năng sống

Với những khoảng trống về cách ứng xử, kỹ năng thực hành xã hội nơi học sinh, việc dạy kỹ năng sống đã và đang trở thành một yêu cầu bức thiết trong trường học. Năm học 2011-2012, ngành giáo dục bắt đầu triển khai đại trà môn kỹ năng sống trong nhà trường. Tuy nhiên, việc thực hiện và triển khai làm sao cho hiệu quả vẫn đang là bài toán chưa có lời giải, khi phần lớn giáo viên và các trường hiện nay vẫn phải… tự bơi mà chưa có “phao” bảo hộ.

Không giáo trình
 
Hiện nay, việc dạy kỹ năng sống cho học sinh gần như chưa có một bộ giáo trình chính thống từ Bộ GD-ĐT. Điều này vô hình trung khiến một số đơn vị, doanh nghiệp thừa nước đục thả câu tung ra đủ loại giáo trình dạy kỹ năng sống, đưa vào các trường học. Các bộ giáo trình này chưa được kiểm định, khiến thị trường sách dạy kỹ năng sống trở nên hỗn loạn.

Cách phổ biến nhất được các trường áp dụng hiện nay là lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vào các môn học của chương trình. Tùy từng trường mà cách lồng ghép khác nhau, có trường lồng ghép vào môn mỹ thuật, hát nhạc; có trường lại chọn môn Văn học, Lịch sử… nhằm giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn.

Trường thì yêu cầu giáo viên tranh thủ lồng ghép những bài học đạo đức, những câu chuyện và văn hóa ứng xử hay đại loại là cách ứng biến với tình huống cuộc sống như thế nào. Trường lại mua những bộ sách hay như “Đắc nhân tâm”, “Hạt giống tâm hồn” để dạy tích hợp vào trong những khoảng thời gian trống.

Dạy kỹ năng sống là cần thiết trong nhà trường.

Dạy kỹ năng sống là cần thiết trong nhà trường.

Tuy nhiên, khó khẳng định hiệu quả, vì thời gian dành cho giáo dục kỹ năng sống không nhiều.Một giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng chia sẻ: Việc chủ động lồng ghép kỹ năng sống vào bài giảng của giáo viên hiện nay còn gặp nhiều khó khăn vì không có quy chuẩn nào cho việc lồng ghép, nhất là lồng ghép với từng bộ môn như Toán, Mỹ thuật, Văn học… nên giáo viên khá lúng túng.

Do đó, khó có thể đánh giá được môn kỹ năng sống tại các trường có thật sự hiệu quả hay không. Và từ việc không có giáo trình, không biết lồng ghép như thế nào mà nhiều giáo viên, nhiều trường chọn giải pháp ra nhà sách kiếm giáo trình bằng cách… mua sách. Tuy nhiên, việc chọn một quyển sách hay để thực hiện lồng ghép, giảng dạy lại không đơn giản giữa “bức tranh” còn khá nhập nhoạng sáng - tối như hiện nay.
 
Thiếu kỹ năng, nặng hình thức

Dạy kỹ năng cho học sinh nhưng giáo viên lại rất yếu, thậm chí là mù mờ về khái niệm và cách dạy kỹ năng sống là một thực tế đang diễn ra hiện nay tại một số trường ở TPHCM. Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, việc lồng ghép, dạy kỹ năng ở các trường phần nhiều vẫn do giáo viên tự mày mò, tìm hiểu chứ chưa có một đơn vị hay một chương trình nào hướng dẫn nghiệp vụ cho giáo viên, nên chẳng có gì khó hiểu khi giáo viên yếu về vấn đề này. Do vậy, việc dạy kỹ năng sống còn khá hời hợt, nhiều khi chiếu lệ tại một số trường.
 
Với môn học kỹ năng sống, đội ngũ giáo viên đóng vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thành “sứ mạng” lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Tuy nhiên, ở khối tiểu học và THCS, nhiệm vụ dạy môn này hiện được giao thẳng cho giáo viên chủ nhiệm. Việc nhiều người chưa được trang bị kiến thức, phương pháp giáo dục để dạy cũng khiến họ rụt rè thực hiện.

Cô Nguyễn Hồng Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Văn Tần chia sẻ: Dạy kỹ năng hay, để các em nhỏ tiếp thu tốt là không đơn giản. Việc lồng ghép kiến thức kỹ năng sống vào các môn học phải nhẹ nhàng, thú vị để các em thích thú. Tuy nhiên, nhiều giáo viên vẫn chưa thật sự vững về điều này. Nếu người giáo viên có kỹ năng, sự nhanh nhạy cùng vốn sống tích lũy được, tiết dạy lồng ghép ấy sẽ có hiệu quả rất cao.
 
Hiện nay, vấn đề kinh phí để trường thực hiện các buổi chuyên đề, buổi học ngoại khóa, giúp học sinh có thêm kiến thức, vốn sống thực tế cũng đang là mối bận tâm hàng đầu của các trường.

Thầy Nguyễn Công Phủ, Hiệu trưởng Trường THPT Thạnh Lộc, quận 12 thẳng thắn nhìn nhận: “Việc lồng ghép kỹ năng sống là việc các trường bắt buộc phải làm. Tuy nhiên, thực hiện ra sao, lồng ghép như thế nào, dựa vào bộ giáo trình và khung chuẩn nào để đánh giá hiệu quả giảng dạy thì chưa có. Vì thế, nói là chúng ta đang tích cực triển khai dạy kỹ năng sống cho học sinh nhưng kỳ thực, tính hình thức của nó vẫn khá nặng nề.

Do chưa có bộ giáo trình thống nhất, nên đến giờ việc dạy kỹ năng sống tại trường vẫn chỉ dựa vào những tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần hay các buổi sinh hoạt để lồng ghép, kể những câu chuyện hay, những hình ảnh đẹp từ đời thường cho học sinh, chứ chưa thể tổ chức các buổi dã ngoại vì thiếu kinh phí”.

ANH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục