(SGGP). – Ngày 20-8, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể với nội dung lấy ý kiến về dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).
Vốn là sự hợp nhất có sửa đổi bổ sung của Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 và Luật Ban hành VBQPPL của HĐND và UBND năm 2004 – trong số những nội dung đáng lưu ý của dự thảo luật này là quy định về một số loại văn bản tới đây sẽ không được coi là “VBQPPL”, bao gồm cả nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lệnh của Chủ tịch nước, các loại văn bản liên tịch… Dự luật cũng đã bỏ quy định về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ Quốc hội mà chỉ quy định về chương trình năm. Theo đó, Quốc hội quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm tại kỳ họp thứ nhất của năm trước.
Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình bỏ bớt hoặc hạn chế một số loại được coi là VBQPPL như thông tư liên tịch, nghị quyết liên tịch… Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Thuyền, thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc giữ quy định về hình thức nghị quyết của Quốc hội. Vì khoản 10 điều 70 của Hiến pháp quy định thẩm quyền của Quốc hội là “bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, TAND tối cao, Viện KSND tối cao khi các văn bản này trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội”.
Nếu không quy định nghị quyết của Quốc hội là VBQPPL thì không thể dùng nghị quyết đó để bãi bỏ các VBQPPL khác. Trong khi đó, Phó Chánh án TAND tối cao Tưởng Duy Lượng đề nghị giữ lại hình thức thông tư liên tịch giữa Chánh án TAND tối cao với Viện trưởng Viện KSND tối cao… Có quan điểm dung hòa hai loại ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói: “Loại văn bản liên tịch nên bỏ, vì có thể thay thế bằng VBQPPL do cấp cao hơn ban hành. Riêng nghị quyết nếu chưa bỏ được thì cũng nên hết sức hạn chế”.
Liên quan đến việc thẩm định, thẩm tra dự án VBQPPL, Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh yêu cầu quy định rõ hơn về thẩm quyền thẩm định, thẩm tra nguồn nhân lực, tài chính… để bảo đảm thi hành VBQPPL. Mặt khác, để khắc phục tình trạng chậm trình hồ sơ, dự án luật, pháp lệnh, đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, thẩm định kiên quyết từ chối thẩm tra, thẩm định trong trường hợp hồ sơ dự án gửi không đúng thời hạn.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, nhận xét: “Lâu nay nhiều ý kiến thẩm định không được chấp nhận mà chỉ được trình như một ý kiến bảo lưu trong hồ sơ dự án luật nên cần quy định theo hướng nếu không tiếp thu ý kiến thẩm định thì không trình”.
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đề nghị dứt khoát trao cho cơ quan thẩm tra quyền quyết định trình hay không trình dự án luật/pháp lệnh ra Quốc hội và “nếu sợ ủy ban lộng quyền thì “cài” thêm yêu cầu có ý kiến quyết định của Chủ tịch Quốc hội”.
ANH THƯ