Đến nay các trường đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) đã hoàn tất báo cáo và chọn phương án “3 chung” (chung đợt, chung đề, chung kết quả) cho kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Ngay cả những cơ sở đã có đề án tuyển sinh riêng như ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM cũng không vội áp dụng trong năm 2014 mà cho rằng cần có lộ trình hợp lý để thí sinh làm quen và chuẩn bị trước.
Vẫn chọn “3 chung”
Hội đồng tuyển sinh ĐH Quốc gia TPHCM vừa họp bàn phương án tuyển sinh cho năm 2014. Dù đề án tuyển sinh riêng cơ bản đã hoàn tất và sẵn sàng áp dụng ngay cho năm nay, nhưng hội đồng tuyển sinh của ĐH Quốc gia TPHCM vẫn thận trọng và dự kiến năm 2015 mới áp dụng. Theo PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, để ổn định và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, năm 2014 ĐH Quốc gia TPHCM vẫn tuyển sinh theo phương thức “3 chung” của Bộ GD-ĐT và tiếp tục áp dụng xét tuyển nguyện vọng phân ngành trong nội bộ từng trường cũng như trong toàn hệ thống, hạn chế xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Từ năm 2015, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ tuyển sinh riêng cho một số ngành, chuyên ngành, đồng thời song song vẫn dùng phương án thi “3 chung”. Đến năm 2016, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ áp dụng triệt để thi tuyển sinh riêng cho tất cả các trường thành viên”. Tương tự, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng thống nhất giữ ổn định công tác tuyển sinh trong năm 2014 theo phương thức “3 chung”.
Cũng giống như 2 ĐH Quốc gia, các ĐH vùng như ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng cũng chọn thi “3 chung”. Các ĐH này cho biết sẽ trình đề án tuyển sinh riêng khi Bộ GD-ĐT công bố quy chế đề án tuyển sinh riêng và áp dụng tuyển sinh riêng đúng lộ trình mà Bộ GD-ĐT đã công bố.
Trong khi đó, tất cả các trường còn lại một mặt đang xây dựng đề án tuyển sinh riêng, một mặt vẫn khẳng định sẽ thi “3 chung” đến năm 2017 để thí sinh có lộ trình và điều chỉnh phương pháp học cho phù hợp với phương thức thi tuyển mới của từng trường.
Với các trường ĐH-CĐ ngoài công lập (hơn 80 trường), ngay cả gần 20 trường đã gửi đề án tuyển sinh riêng cũng đề xuất thi “3 chung”. TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, khẳng định: “Những năm gần đây các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chính do uy tín và chất lượng của các trường không thu hút được người học. Nhưng với tình hình hiện nay, trường vẫn chọn thi “3 chung” vì thực tế phương án này vẫn có những yếu tố tích cực như đề thi được bảo mật, đảm bảo tính công bằng và hạn chế tiêu cực. Khi nào Bộ GD-ĐT chính thức bỏ thi “3 chung” lúc đó trường sẽ áp dụng tuyển sinh riêng”.
Phải tính đến quyền lợi thí sinh
Đổi mới thi tuyển là một yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, không nhất thiết phải vội vàng vì bất kỳ sự đổi mới nào cũng kéo theo nhiều vấn đề cần giải quyết mà trên hết vẫn là quyền lợi của người học.
Dù rất quyết tâm đổi mới, nhưng Bộ GD-ĐT cũng hết sức thận trọng và đã đưa ra lộ trình 3 năm, tức đến năm 2017 sẽ giao quyền tuyển sinh cho các trường tự tổ chức và tự chịu trách nhiệm. Tự chủ tuyển sinh là bước đi hiện thực hóa quy định của Luật Giáo dục đại học (có hiệu lực từ 1-1-2013) và thực hiện Nghị quyết TƯ 8 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Thực tế hiện nay thật sự các trường và Bộ GD-ĐT cũng đang lúng túng. Bởi lẽ, Luật Giáo dục đại học mới chỉ có 4/17 Nghị định hướng dẫn thi hành được ban hành, những tiêu chí và quy định cụ thể về tuyển sinh riêng chưa rõ ràng nên các trường cũng lúng túng.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho biết: “Đổi mới tuyển sinh phải có lộ trình để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, giúp thí sinh có thời gian chuẩn bị. Mặt khác, các cơ sở đào tạo cũng cần có thời gian để tập trung nghiên cứu đưa ra phương án thi tuyển mới phù hợp với mục tiêu đào tạo của mình”.
Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, băn khoăn: “Các trường đang chờ Bộ GD-ĐT đưa ra hệ tiêu chí cụ thể (quy định về tự chủ tuyển sinh) để có cơ sở xây dựng và trình phương án tuyển sinh cụ thể. Cái khó nhất các trường e ngại chính là ở bộ đề thi. Nếu không chuẩn bị kỹ thì thi riêng sẽ quay lại cảnh thi tuyển lộn xộn như trước khi áp dụng thi “3 chung”, đó là luyện thi tràn lan, gian lận, tiêu cực. Vì vậy, vấn đề Bộ GD-ĐT lo ngại về tiêu cực khi các trường tự tuyển sinh riêng là không thừa”.
"Trong bối cảnh chúng ta đang mới làm quen với việc tự chủ thì phải thực hiện tự chủ có lộ trình. Ví dụ nếu giao tự chủ hoàn toàn, nếu cơ sở nào đó làm bừa thì hậu quả ai chịu? Cơ sở nào đó không được công nhận kết quả thi thì lại ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh. Do đó, các trường phải có đề án tuyển sinh riêng để thí sinh biết rõ, nhằm bảo bảo tính công bằng, minh bạch, đồng thời để các trường tự chịu trách nhiệm trước xã hội…" GS-TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa |
THANH HÙNG