Kỳ tuyển sinh năm học 2011-2012, số thí sinh đăng ký thi khối C giảm sút đáng ngạc nhiên, đến độ nhiều người coi là rất bất thường. Có nhiều điều rất đáng suy nghĩ.
Mất cân đối
Quan niệm về ngành học mỗi thời có khác nhau nhưng không phải đến bây giờ khối C mới trở nên “mất giá”. Dù “nhất Anh, nhì tin, tam kinh, tứ luật” hay “nhất y nhì dược tạm được bách khoa bỏ qua sư phạm” thì khối C cũng ở hàng rất thấp. Nếu luật được đưa vào danh sách hàng đầu để chọn lựa thì cũng nằm cuối cùng của nhóm đó và bản thân ngành luật cũng có đến 2 khối để thi đầu vào, khối A và khối C.
Trong khi đó, vào năm 2009, theo khảo sát của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, xu hướng chọn nghề tương lai của học sinh (HS) tập trung vào những ngành được ưa chuộng nhất là công nghệ thông tin, du lịch, khách sạn, kinh tế, tài chính. Các ngành ít được HS quan tâm, lựa chọn nhất là nông - lâm - ngư, mỏ, khai khoáng... Như vậy, bên cạnh khối C, còn có một số ngành của các khối khác cũng bị “chê” dù những ngành đó cũng rất cần thiết trong xã hội.
Tôi có cảm giác khối C bị rẻ rúng từ lâu nay rồi. Hồi tôi thi đại học (cách đây gần 20 năm), những người học khối C như tôi thường “chỉ được coi” là làm siêng học bài; bởi nếu giỏi thì có thể chọn khối D với các ngành tổng hợp Anh, ngoại thương… hay khối B với y, dược hoặc khối A với các ngành kỹ thuật… để học. Còn khối C có gì, sư phạm, tổng hợp văn… khó lòng được xếp “bằng vai phải lứa” với các ngành khác.
Do quan niệm
Nhưng sự rẻ rúng khối C hình như không phải do ngành học, do vấn đề tìm việc làm mà chính từ quan niệm, mà có lẽ đến từ thực tế trong nhà trường (chứ chưa nói đến ngoài xã hội). Giáo viên dạy các môn xã hội thường có cuộc sống khá khó khăn hơn giáo viên dạy các môn tự nhiên - kỹ thuật - ngoại ngữ, bởi có rất ít người đi học thêm môn văn, càng hiếm người nhờ giáo viên kèm môn sử - địa mà chỉ có đi học thêm toán, lý, hóa, sinh, Anh văn. Vì vậy, không phải bây giờ mới có sự bất thường ở khối C, chỉ có điều chưa đến mức “báo động” như hiện nay.
Xét cho cùng, sự mất cân đối này đang phản ánh thực tế xã hội, một sự vận động tất yếu - ngành nghề nào dễ tìm việc làm, có thu nhập cao thì thu hút được nhiều HS. Giải quyết tình trạng này, ngành giáo dục nên suy xét lại ngọn nguồn, từ đó tìm ra những giải pháp đồng bộ.
Trước hết là vấn đề dạy và học. Chừng nào các môn khoa học xã hội được dạy đủ chất và lượng trong nhà trường phổ thông với những thiết bị, phương tiện đảm bảo thì mới có thể thay đổi cách nhìn nhận của giáo viên, HS và cả phụ huynh HS về các môn học này. Đừng xem đó là các môn phụ mà hãy tạo ra nhận thức cho HS rằng các em đang học một cách sơ khởi những bộ môn khoa học cơ bản thuộc ngành xã hội - nhân văn. Bên cạnh đó, phải nâng chất lượng thi đầu vào và chất lượng đào tạo các ngành khối C ở các trường đại học. Không nhất thiết phải thu hút đông đảo sinh viên mà vào ngành này đều phải là những người có năng lực thực sự, có yêu thích, đam mê với các ngành khoa học xã hội và nhân văn, theo phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Khi đó, tự khắc họ sẽ tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập cao. Còn hơn là lấy chỉ tiêu cho cao, không đủ sinh viên nên tuyển cả những người học kém vào, ì ạch cũng xong chương trình nhưng rốt cuộc không ra thầy cũng chẳng thành thợ, chỉ làm ngành thêm “mất giá”.
Cử tuyển?
Ngoài ra, nếu cần thiết thì tăng học bổng và các hỗ trợ khác cho sinh viên các ngành khoa học xã hội và nhân văn, như nhiều trường sư phạm từng làm (miễn học phí). Nhưng dù vậy, các yêu cầu về chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Nhà nước cũng có thể có chính sách “cử tuyển” nhằm đáp ứng yêu cầu cụ thể của các địa phương. Chẳng hạn, địa phương có thể “gửi” các trường đào tạo một số sinh viên hành chính, luật, triết học, lịch sử, địa lý… để về phục vụ cho địa phương với những thỏa thuận, ràng buộc hợp lý. Dĩ nhiên, dù là “cử tuyển”, chất lượng vẫn phải được đảm bảo.
Tóm lại, vấn đề cốt yếu trong đào tạo của một trường, một ngành, một khối vẫn là chất lượng, dù có nhiều hay ít người đăng ký thi đầu vào. Giải quyết được vấn đề này sẽ “tự nhiên hương”!
TRỊNH MINH GIANG (TPHCM)