Từ hôm nay 16-12, người tiêu dùng tại TPHCM có thể truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng smartphone

Sáng 16-12, Sở Công Thương TPHCM đã tổ chức lễ triển khai Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, đồng thời công bố 349 điểm bán trên địa bàn TPHCM. Đề án thuộc Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm tại TPHCM giai đoạn 2016-2020.
Từ hôm nay 16-12, người tiêu dùng tại TPHCM có thể truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng smartphone

(SGGPO).- Sáng 16-12, Sở Công Thương TPHCM đã tổ chức lễ triển khai Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, đồng thời công bố 349 điểm bán trên địa bàn TPHCM. Đề án thuộc Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm tại TPHCM giai đoạn 2016-2020.

Với đề án này, từ nay người tiêu dùng TPHCM có thể mua sản phẩm thịt heo và truy xuất nguồn gốc tại các hệ thống phân phối hiện đại gồm: Saigon Co.op, Satra, Vissan, Cocomart, Auchan, Aeon - Citimart, Queenland... Nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết các điểm bán tham gia Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, tất cả các đơn vị kinh doanh, nhà bán lẻ đều treo băng rôn trước cổng, đồng thời tại quầy hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc và trang bị đầy đủ các thiết bị công nghệ, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra, đối chứng.

Từ hôm nay 16-12, người tiêu dùng tại TPHCM có thể truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng smartphone. Trong ảnh mua thịt heo tại quầy Vissan

Ngay tại buổi lễ, nhiều người tiêu dùng đã hào hứng tham gia tải và cài đặt phần mền của đề án là TE-FOOD vào điện thoại của mình, hoặc có thể đến các náy được trang bị sẵn tại các siêu thị, tra cứu vào website www.te-food.com để có thể truy xuất được miếng thịt heo đã mua được nuôi ở trang trại nào, giết mổ tại đâu, thời gian nhập hàng và bán hàng… Trong trường hợp người tiêu dùng chưa biết cách cài đặt, có thể gọi đến đường dây nóng 19006726 để được hướng dẫn cụ thể.

Chị Nguyễn Tú Anh, ngụ tại đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp cho biết, trong bối cảnh thịt bẩn, thịt sạch lẫn lộn việc triển khai đề án, thông qua tem dán trên bao bì sản phẩm sẽ giúp người dân yên tâm hơn trong tiêu dùng, nhất là mùa mùa sắm cao điểm tết đang đến gần.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, sau 4 tháng khẩn trương xây dựng, Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo đã được UBND TPHCM cho phép tổ chức triển khai thí điểm giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 16-12-2016 tại mạng lưới bán hàng của hệ thống phân phối hiện đại. Giai đoạn 2 của đề án sẽ được thực hiện chuyên sâu hơn trong việc tổ chức, quản lý, kiểm tra và truy xuất nguồn gốc thịt heo từ khi con heo mới sinh ra, nuôi lớn, giết mổ và phân phối đến tay người tiêu dùng.

Đánh giá về Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương kiêm Phó Trưởng ban quản lý Đề án, nhìn nhận, đến thời điểm hiện nay, đề án cơ bản hoàn thành khâu kỹ thuật và đưa ra thí điểm giai đoạn 1. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn cũng như đòi hỏi các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.

Chính quyền TPHCM rất kỳ vọng Đề án Quản lý, nhận diện và truy suất nguồn gốc thịt heo thực hiện thành công với hiệu quả cao, từ đó tạo cơ sở để triển khai trên các mặt hàng thiết yếu khác. Để đạt mục tiêu này, đề án rất cần sự hưởng ứng tham gia đề án của người tiêu dùng, cũng như nâng cao nhận thức tiêu dùng hàng hóa có truy xuất nguồn gốc, góp phần đầy lùi các sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ra khỏi thị trường.

       Hải Hà

Tin cùng chuyên mục