Từ kết quả cuộc thi “Bác Hồ - Người là niềm tin tất thắng”

Sau khi Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia hoàn tất 12 tập “Hồ Chí Minh toàn tập” vào những năm 1995-1996, trong một số cuộc hội thảo chúng ta đã đề xuất việc sưu tầm và xuất bản những tập sách về những câu chuyện, những ý kiến, những cảm nghĩ của nhiều tầng lớp nhân dân trong nước và thế giới về Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Ý kiến này hơn 10 năm qua đã được thực hiện tốt mà sự thể hiện một phần quan trọng kết quả việc làm tốt đó của ngành xuất bản là ở nội dung các bài dự thi “Bác Hồ - Người là niềm tin tất thắng”. Những câu chuyện, những suy nghĩ, những ý kiến của nhân dân từ các xuất bản phẩm nói trên đã được nhiều người dự thi lấy làm chỗ dựa vững và làm nền tảng chắc để luận giải về sự cần thiết, học tập và quan trọng hơn là phải làm theo lời Hồ Chủ tịch. Nhờ vậy mà cuộc thi đã tô đậm thêm, làm sắc nét thêm, tạo sức hấp dẫn rộng, sâu thêm về nội dung trong những tác phẩm có trong toàn tập gồm 12 tập của Hồ Chủ tịch. 

Cuộc thi lần này dành cho giới hoạt động báo chí, truyền thông, cho nên kết quả cuộc thi xoáy sâu, in đậm vào yêu cầu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - nhà báo lớn - người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Như vậy là rất đúng và rất tốt. Tuy nhiên, xét trên tổng thể, sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thì sự nghiệp hoạt động báo chí vẫn chỉ là một phần khiêm tốn.

Kết quả cuộc thi này phải chăng là một gợi ý quan trọng cho chúng ta để sẽ tổ chức một số sinh hoạt chính trị dưới hình thức dự thi về sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh ở tầm cỡ rộng hơn, xoáy sâu hơn vào những khía cạnh mang tính bản chất hơn, tiếp cận gần kề hơn với những vấn đề thuộc nguyên lý lý luận cách mạng, thuộc tư tưởng triết học, thuộc phương pháp luận tư duy và hành động chính trị xã hội - những vấn đề lớn tiềm ẩn trong sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cho đến nay, đã có đủ dữ liệu, có đủ điều kiện và hết sức cần thiết phải được phân tích kỹ, luận giải sâu để học tập và để làm theo.

Thí sinh của các cuộc thi này sẽ được mở rộng vào nhiều vùng chuyên môn, nghiệp vụ khác, đặc biệt là các vùng hoạt động của những người mà ngày nay đang nắm giữ những khâu then chốt thuộc tất cả các cấp, các ngành để tiếp tục sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước. Đó là những ý nghĩ mà tôi tin là sẽ được nhiều người đồng tình, chia sẻ. Và nếu những ý nghĩ này được trở thành hiện thực thì chắc chắn tấm gương đạo đức, bản lĩnh chính trị, tầm cỡ tư duy triết học, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn được tỏa sáng rực rỡ hơn nữa vào nhiều vùng vấn đề lớn, đặc biệt là những vùng vấn đề tinh tế, nhạy cảm, nóng bỏng và sắc nhọn mà hiện nay Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang phải đối mặt từng ngày, từng giờ: Vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo - văn hóa tâm linh, vấn đề kiều dân, vấn đề bản lĩnh và nghệ thuật ứng xử với thù trong, giặc ngoài trong sự gắn bó với diễn biến của lịch sử, của thời thế... 

Có một thời chúng ta tôn vinh lãnh tụ Hồ Chí Minh ở mức chấp nhận tác phong mẫu mực của Người; sau đó chúng ta kính phục lãnh tụ Hồ Chí Minh, tôn vinh Người ở tầm chấp nhận tư tưởng qua hai bậc: bậc thứ nhất, chấp nhận và tôn vinh giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh và bậc thứ hai là chấp nhận và tôn vinh tư tưởng Hồ Chí Minh. Và giờ đây, khi hệ thống lại những quan niệm, quan điểm, lập trường, bản lĩnh, khuynh hướng, phương pháp luận... mà cho đến nay chúng ta đã phát hiện được của Hồ Chủ tịch về chính trị, về triết học, về kinh tế học, văn hóa, văn nghệ... và về báo chí truyền thông như là kết quả cuộc thi – “Bác Hồ - Người là niềm tin tất thắng” vừa diễn ra, phải chăng chúng ta đã có thể nói tới một hệ thống lý luận mang tên Hồ Chí Minh; một học thuyết mang tên Hồ Chí Minh; một chủ nghĩa Hồ Chí Minh? Tôi nghĩ là rất có thể. 

Trong tương quan với toàn bộ nội dung sự nghiệp hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nội dung kết quả cuộc thi “Bác Hồ - Người là niềm tin tất thắng” chỉ góp một phần khiêm tốn, nhưng nếu phần khiêm tốn này là có góp vào sự hình thành chủ nghĩa Hồ Chí Minh để gắn kết khái niệm chủ nghĩa Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin thành một khái niệm bộ ba: Chủ nghĩa Mác-Lênin - Hồ Chí Minh, thì kết quả khiêm tốn của nội dung cuộc thi sẽ mang một ý nghĩa sâu hơn, rộng hơn phạm vi khiêm tốn đó rất nhiều.

Mong sao tài năng, bản lĩnh, tri thức và tính năng động sáng tạo của các thí sinh, đặc biệt là các thí sinh lọt vào vòng chung kết cuộc thi dành cho giới báo chí, truyền thông này chỉ là những tín hiệu dự báo cho sự xuất hiện đông đảo những thí sinh của các cuộc thi trong tương lai về những chủ đề thuộc các lĩnh vực hoạt động lớn khác của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. 

Ngày 19 tháng 5 năm 2008 

TRẦN TRỌNG ĐĂNG ĐÀN
Viện Khoa học xã hội)

Tin cùng chuyên mục