Từ loạt bài Nỗi lo thường trực ở vùng sạt lở: Sớm xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở đất

Sau khi Báo SGGP số ra ngày 21 và 22-6 đăng loạt bài “Nỗi lo thường trực ở vùng sạt lở”, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến, bài viết chia sẻ của bạn đọc, các nhà quản lý, cơ quan chuyên môn... xung quanh vấn đề này.
Khu tái định cư kiểu mới ở xã Tr’hy (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) đã giúp người dân an toàn trong mùa mưa bão năm 2020. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Khu tái định cư kiểu mới ở xã Tr’hy (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) đã giúp người dân an toàn trong mùa mưa bão năm 2020. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Tái định cư xen kẽ và đào tạo nghề

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho rằng, việc thay đổi môi trường sống hoàn toàn khiến người dân diện di dời tái định cư băn khoăn lo lắng như Báo SGGP phản ánh là thực tế cần sớm khắc phục. Trước mắt, UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo chính quyền các cấp phải vào cuộc quyết liệt, cũng như đầu tư hỗ trợ mọi nguồn lực để người dân biến nơi ở mới thành quê hương và yên tâm ổn định cuộc sống. 

Tương tự, ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết, tại các vùng nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở các xã Hướng Sơn, Hướng Lập và xã Húc, UBND huyện đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tiến hành bố trí, sắp xếp ổn định cho 88 hộ dân đến nơi ở mới an toàn theo hình thức tái định cư xen ghép. Theo đó, chính quyền chỉ hỗ trợ về mặt tài chính, người dân diện di dời chủ động tìm địa điểm mới để tái định cư. Người dân chuyển đến nơi ở mới thường không quá xa nơi ở cũ nên có thể duy trì công việc mưu sinh trước đây và giảm kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng, bảo đảm đất sản xuất, tạo sinh kế lâu dài cho người dân tái định cư vùng sạt lở là bài toán khó đối với tất cả các địa phương. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung rà soát lại quỹ đất trên địa bàn để thống kê các nguồn đất có thể trở thành đất sản xuất, cấp thêm cho bà con tái định cư. Đây là công việc khó trong điều kiện quỹ đất sản xuất ngày càng hạn hẹp mà dân số lại tăng nhanh, nhưng không thể không làm, cũng không thể chậm trễ. Ngoài ra, thói quen canh tác cũ không còn phù hợp và môi trường sống cũng không còn chỗ cho việc mưu sinh bằng những ngành nghề truyền thống đối với những hộ tái định cư tại nơi ở mới, nên việc rà soát, nghiên cứu chuyển đổi phương thức đào tạo nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt thủy sản trên lòng hồ, đồng thời tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa cho các hộ dân tái định cư cũng được địa phương quan tâm triển khai.

Xây nhà cộng đồng kiên cố làm nơi tránh lũ

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết, địa phương đã xác định 93 điểm sạt lở ở 9 huyện miền núi. Những điểm này tuyệt đối không bố trí dân cư, giao các địa phương tiến hành cắm biển cảnh báo nguy hiểm để người dân phòng tránh khi mưa lớn xảy ra. 

Ngoài việc triển khai xây dựng các ngôi nhà cộng đồng kiên cố bằng bê tông cốt thép để kết hợp làm nơi tránh bão lũ cho người dân, UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Sở KH-CN thực hiện đề tài ứng phó với nguy cơ sạt lở bằng việc thiết kế, lắp đặt hệ thống dây rung để đo và tính toán độ biến động của đất.

Theo đó, Sở KH-CN tỉnh Quảng Nam phối hợp cùng Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên nghiên cứu, xây dựng đề tài “Một số giải pháp dự báo, cảnh báo sớm và phòng chống sạt lở đất” phục vụ bố trí dân cư ở 3 huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn tỉnh Quảng Nam. Đề tài đang phát triển ứng dụng công nghệ trong việc đo lượng mưa, sự dịch chuyển của khối núi gần các khu dân cư để có những thông tin phân tích theo từng mức độ. Khi mưa xuống, khối đất sẽ có chuyển động nội lực làm rung dây cảnh báo. Mức độ rung của dây đo lường sẽ dự báo được việc xuất hiện các vết nứt có khả năng sẽ xảy ra sạt lở. Nếu dây rung tới mức biên độ sẽ xảy ra sạt lở thì sẽ chuyển thông tin lên loa cảnh báo sớm cho người dân được biết để di chuyển đến nơi an toàn.

Tại Hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức, TS Hoàng Ngọc Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên cho rằng, kết quả nghiên cứu sạt lở đất năm qua tại Quảng Nam đã chỉ ra rõ: mưa lớn kéo dài, độ dốc địa hình và điều kiện địa chất là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở, phần lớn xảy ra vào mùa mưa.

Để chủ động ứng phó với sạt lở đất, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất gây ra, cần triển khai đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình. Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực nhiều hơn cho việc khắc phục, tái thiết cơ sở hạ tầng sau thiên tai cho miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng để chính quyền và người dân yên tâm, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội. 

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia cần tăng cường nâng cao nhận thức, đào tạo và hướng dẫn cho người dân, nhất là ở vùng cao, những kiến thức cơ bản về thiên tai, lấy người dân làm trung tâm trong công tác phòng chống thiên tai. Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở đất và xác định các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở đất theo nhiều bước. Cụ thể, xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở theo nhiều yếu tố như độ dốc, lượng mưa, địa chất thủy văn, địa chất công trình, thảm phủ và xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở q

Tin cùng chuyên mục