Ngày 20-4, nhân kỷ niệm 65 năm ngày mất của cụ Huỳnh Thúc Kháng (21-4-1947 – 21-4-2012), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp của cụ. Đây được xem là cuộc “đánh giá lại” công trạng của cụ Huỳnh với vận mệnh dân tộc thông qua những câu chuyện còn nguyên tính thời sự, về chữ “liêm”, chữ “sĩ” của người làm quan; về tư tưởng canh tân, nhạy cảm với cái mới và chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.
Liêm - sĩ của người làm quan
Hơn 100 nhà sử học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đã có tham luận quý giá về thân thế và sự nghiệp của cụ Huỳnh. Cụ Huỳnh (sinh năm 1876, người làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) không chỉ được biết đến là người học hành đỗ đạt cao mà còn có khí tiết của một nhà Nho xứ Quảng. Cụ Huỳnh là một trong những người yêu nước hàng đầu, khởi đầu trong phong trào Duy Tân. Vì vậy, lịch sử nhìn nhận cụ như nhân vật tiêu biểu nhất, tạo được gạch nối lịch sử gắn kết phong trào yêu nước của các chiến sĩ Duy Tân với phong trào Cách mạng. Trên báo Tiếng Dân, cụ thẳng thắn không tán thành phương thức “cách mạng bằng bạo lực” nhưng cụ Hồ vẫn giao trọng trách quyền Chủ tịch nước của một Nhà nước non trẻ cho cụ Huỳnh lãnh đạo trong 4 tháng ròng, thể hiện niềm tin của cụ Hồ, của cách mạng đối với cụ Huỳnh.
Nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Sinh (Phó Giám đốc Sở KH-CN Quảng Nam) cho rằng, cụ Huỳnh là người sẵn sàng từ bỏ cái cũ, luôn luôn đi tìm cái mới. Cụ bỏ lối “thi cử xong ra làm quan thời phong kiến” để dấn thân vào con đường canh tân đất nước, muốn thay đổi hẳn chế độ cũ. Tinh thần ấy rất trung thực, thẳng thắn, khẳng khái và rất quyết liệt. Cụ ra làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, rồi sáng lập báo Tiếng Dân, rồi về bên cụ Hồ với tinh thần công khai cũng thể hiện ý chí đổi mới đó. Cái tinh thần ái quốc Nho giáo của cụ Huỳnh mang đậm truyền thống yêu nước của người Quảng Nam, sĩ phu Quảng Nam.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, Đảng ta hiện đang vận dụng Nghị quyết TƯ 4 về nâng cao phẩm chất của đảng viên Đảng Cộng sản thì càng thấy phẩm cách của cụ Huỳnh là mẫu hình của những giá trị truyền thống của dân tộc và không ngừng đổi mới theo thời đại. Vì thế, chúng ta không chỉ tri ân người xưa mà còn phải lấy nhân cách của người xưa để soi sáng con đường phát triển đất nước, con đường xây dựng nhân cách con người thời đại. Cụ Huỳnh là biểu hiện rõ nhất về “tính cách Quảng”, đó là tinh thần luôn tìm cái mới. Tính cách này gắn với “địa linh”, cửa ngõ để hướng ra bên ngoài thông qua Hội An, Tourane (Đà Nẵng), nơi du nhập những tư tưởng mới từ châu Âu và Đông Á. Cụ Huỳnh mang tính hay cãi gay gắt của người Quảng Nam, điều đó thể hiện tính biện chứng: có phê phán cái cũ thì mới phát triển được. Không phải ngẫu nhiên, Lê Thánh Tông đứng trên đỉnh đèo Hải Vân nhìn về phía Nam mà thấy cả tiền đồ đất nước, con đường sống của dân tộc. “Xứ Quảng” không chỉ rộng về không gian địa lý mà còn rộng thoáng về tư tưởng.
Liên hệ khí tiết, khí phách và tính “hay cãi” của cụ Huỳnh với người “làm quan” hiện nay, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, “đội ngũ cán bộ hiện nay rất thiếu và yếu” những phẩm cách đó. Cụ Huỳnh được đánh giá là người khởi đầu cho “văn hóa từ chức” khi từ bỏ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ để bày tỏ thái độ của mình. Trong khi đó, những phẩm cách mà người xưa có hiện nay chúng ta đánh mất rất nhiều, nhất là làm quan phải liêm – sĩ. Chữ “liêm” đi đôi với chữ “sĩ”, trong khi cả 2 phẩm cách này rất thiếu trong đội ngũ cán bộ của ta hiện nay.
Chủ quyền Hoàng Sa trên báo Tiếng Dân
Theo nhà nghiên cứu Hà Thị Sương và Nguyễn Thế Trung (Trung tâm nghiên cứu Biển và Đảo – Đại học KHXH-NV TPHCM), tư tưởng canh tân của cụ Huỳnh còn được thể hiện qua những bài báo về quần đảo Hoàng Sa trên báo Tiếng Dân. Trong 16 năm tồn tại của tờ báo Tiếng Dân (1927-1943), cụ Huỳnh có những bài viết thể hiện nhận thức của mình về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa qua bài “Dấu tích Tây Sa (Parasels, Hoàng Sa) trong lịch sử việt Nam ta và giá trị Phủ Biên Tạp Lục” đăng trên báo Tiếng Dân ngày 23-7-1938.
Theo cụ Huỳnh, cần phải sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu bằng chữ Hán của các bậc tiền nhân để lại về đảo Tây Sa (Hoàng Sa), vì đây là nguồn tài liệu quý có thể làm chứng cứ pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa. “… Một mớ sách chữ Hán của tiền nhân ta trứ tác, lâu nay đã bỏ xó, lề hư bìa nát, phần đông, nhất là bạn thanh niên, cho đó là một thứ học mượn, thứ chữ chết, không cần đếm xỉa đến, nay nhân vấn đề đảo Tây Sa, trở thành món tài liệu rất quý giá có quan hệ đến công pháp quốc tế không phải là ít” – cụ Huỳnh Thúc Kháng viết.
Theo nhà nghiên cứu Hà Thị Sương, cụ Huỳnh không những nhận thức được vấn đề Hoàng Sa là của Việt Nam mà đồng thời còn dày công sưu tầm, nghiên cứu trong những Hán văn đời trước để tìm ra chứng cứ đầy đủ, chứng chinh Hoàng Sa là của nước Nam.
Nguyên Khôi