Sắp tới mùa tuyển sinh đại học - cao đẳng, nghĩa là hàng triệu gia đình và cá nhân thí sinh lại vào một mùa nhiều lo lắng. Một con đường có thể được mở ra hay khép lại, chỉ với kỳ thi này. Bởi vậy, tư vấn tuyển sinh cũng được mùa.
Tuy nhiên, thực tế tư vấn tuyển sinh nhiều năm qua phổ biến là công thức “thi trường nào dễ đậu, ngành nào đang nóng”. Công thức này đặt nặng vấn đề thị hiếu của đám đông trong lựa chọn mã ngành học, chứ không thật sự xuất phát từ nhu cầu của người học và xã hội. Chẳng hạn, nhóm ngành kinh tế năm nào cũng “đắt”, vì hợp thị hiếu. Trong đó, tài chính - ngân hàng luôn đứng ở đầu bảng về tỷ lệ “chọi”. Tỷ lệ này có thể cao gấp hàng chục lần những nhóm ngành khác.
Nói đơn giản, tài chính - ngân hàng thu hút, vì nó lập tức liên hệ đến chuyện kiếm tiền dễ sau khi ra trường. Cũng gắn với mục tiêu kiếm tiền, là quản trị kinh doanh, hay kế toán. Mối liên hệ “tài - tiền” là rất trực tiếp và tạo nên sức hấp dẫn với đa số thí sinh có gia cảnh luôn đối diện với cơm áo gạo tiền. Đây là chuyện chung của thị hiếu, dù thí sinh ở thành thị hay nông thôn.
Cách đây hàng chục năm, quan niệm được truyền tai phổ biến là “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, bỏ qua Sư phạm”. Gần đây, ngành y - dược không còn quá “đắt hàng”, còn sư phạm lại được chú ý hơn. Nhưng sự quan tâm tăng lên dành cho khối sư phạm có lẽ chủ yếu nằm ở chuyện học bổng.
Trong khi đó, những ngành có tên gọi không “sang”, hoặc gần gũi với nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, cơ khí, chế biến thực phẩm… đều bị thí sinh chê. Cùng cảnh ngộ, là ngành môi trường, lâm nghiệp… Ấn tượng xa lánh những ngành có vẻ chân lấm tay bùn trở thành một mẫu số chung cho lựa chọn của thí sinh và gia đình.
Điều đáng nói là nhiều nhóm tư vấn tuyển sinh chỉ hùa theo thị hiếu có phần lệch của đám đông để “xúi” dạng ngành nào đang “hot” hoặc dễ đậu. Hệ quả là thí sinh dồn về một số khối thi và ghẻ lạnh với những khối thi “cực khổ” vừa nói trên. Nhu cầu nhân lực của xã hội cho phát triển cân bằng và bền vững đã bị bỏ qua.
Cũng để cạnh tranh nhau, những nhóm tư vấn tuyển sinh đã cùng đua theo hướng gia tăng số lượng người tham dự tư vấn. Do vậy, họ chỉ chú trọng những địa điểm có sức chứa lớn ở trung tâm, lên đến hàng ngàn người. Nhiều học sinh lớp 12 phải di chuyển rất xa để vào trung tâm nghe tư vấn chung chung, kiểu “bắn chỉ thiên cũng trúng”. Trong khi đó, nhu cầu thực sự của họ có thể là rất khác nhau. Chuyện tổ chức những cuộc tư vấn quy mô nhỏ, theo từng ngành cho vài chục, hoặc vài trăm học sinh không được quan tâm.
Đấy là chưa kể, có nhóm tuyển sinh còn bắt chước từ ý tưởng, thời gian đến địa điểm tổ chức tư vấn của nhóm khác. Vì vậy, tuy danh nghĩa tổ chức khác nhau, nhưng nội dung tư vấn cứ lặp lại, hời hợt, không hữu ích.
Cứ “xúi” như thế, nên tư vấn tuyển sinh đã và đang trở thành sự phô trương thương hiệu người tổ chức cùng nhà tài trợ. Năm nay dường như cũng sẽ thế.
Vũ Thượng