Tư vấn Kinh tế - Pháp luật

Giữa năm 2010, tôi được 3 người bạn rủ góp vốn vào công ty TNHH chuyên phân phối sản phẩm máy xúc của họ. Tôi quyết định góp vốn vào công ty 150 triệu đồng, nhưng do 50 triệu đồng còn nằm trong một sổ tiết kiệm chưa đến hạn nên tôi góp trước 100 triệu đồng. Các bạn của tôi đồng ý và thống nhất rằng, tôi có thể nợ công ty số tiền còn lại (không phải trả lãi) và có thể nộp cho công ty khi nào công ty cần tiền. Tuy nhiên, lợi nhuận của tôi vẫn được hưởng trên số tiền 150 triệu đồng. Vì tôi không có thời gian nên mọi công việc do các bạn tôi quán xuyến.

° Giữa năm 2010, tôi được 3 người bạn rủ góp vốn vào công ty TNHH chuyên phân phối sản phẩm máy xúc của họ. Tôi quyết định góp vốn vào công ty 150 triệu đồng, nhưng do 50 triệu đồng còn nằm trong một sổ tiết kiệm chưa đến hạn nên tôi góp trước 100 triệu đồng. Các bạn của tôi đồng ý và thống nhất rằng, tôi có thể nợ công ty số tiền còn lại (không phải trả lãi) và có thể nộp cho công ty khi nào công ty cần tiền. Tuy nhiên, lợi nhuận của tôi vẫn được hưởng trên số tiền 150 triệu đồng. Vì tôi không có thời gian nên mọi công việc do các bạn tôi quán xuyến.

Kết quả kinh doanh được năm 2010 tôi được chia lợi nhuận trên vốn góp 150 triệu đồng. Thế nhưng năm 2011, tôi chỉ được chia trên số vốn góp 100 triệu đồng. Vì chỗ bạn bè nên tôi cũng không thắc mắc, nhưng tôi thật sự muốn biết là việc chia lợi nhuận như vậy có bảo đảm quyền lợi của tôi không? Theo quy định của pháp luật, tôi sẽ được chia lợi nhuận như thế nào cho đúng? (tran…@gmail.com).

° Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, thành viên công ty TNHH có 2 thành viên trở lên phải góp vốn đầy đủ và đúng hạn bằng loại tài sản góp vốn như đã cam kết. Hết thời hạn cam kết mà thành viên không góp đủ thì số vốn chưa góp được coi là nợ của thành viên đó đối với công ty. Thành viên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết. Việc góp vốn chỉ có thể được coi là chấm dứt và thành viên đó không được tiếp tục góp vốn nữa nếu thời hạn cam kết lần cuối đã kết thúc. Mặc dù chưa góp đủ số vốn đã cam kết nhưng trong thời hạn này, nếu công ty làm ăn có lãi thì thành viên của công ty vẫn được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp. Có lẽ với quy định này, công ty bà đã thống nhất chia lợi nhuận cho các thành viên trên cơ sở số vốn cam kết góp ban đầu. Riêng bà sẽ vẫn được nhận tiền lời trên số tiền 150 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo quy định mới tại Nghị định 102/2010/CP (có hiệu lực kể từ ngày 15-11-2010) thì thành viên chưa góp đủ vốn chỉ được chia lợi tức tương ứng với tỷ lệ số vốn thực góp. Có thể công ty của bà đã căn cứ vào quy định này nên đã chia lợi nhuận cho bà trên số vốn 100 triệu đồng đã góp.

Mặc dù có quy định như vậy, nhưng nếu điều lệ của công ty có quy định khác thì việc chia lợi nhuận sẽ được thực hiện theo đúng phương thức được quy định trong điều lệ. Trong thư gửi chúng tôi, bà chỉ nói là các thành viên đã thỏa thuận trước đây là sẽ chia lợi nhuận trên tổng số vốn cam kết góp (bà sẽ được chia trên số vốn 150 triệu đồng)  nhưng bà không nói rõ là thỏa thuận này có được ghi nhận vào điều lệ hay không. Vì vậy, bà nên xem lại điều lệ công ty trước khi có những phản hồi với công ty của bà. 

Ngoài ra, chúng tôi cũng lưu ý thêm rằng, theo quy định mới tại Nghị định 102/2010/CP, trong trường hợp việc góp vốn được thực hiện nhiều hơn một lần thì thời hạn góp vốn lần cuối của mỗi thành viên không vượt quá 36 tháng, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

ThS. Trương Trọng Hiểu (Khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật)

Tin cùng chuyên mục