° Công ty chúng tôi là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của nhà đầu tư Nhật Bản. Trong công ty có ông Michio (quốc tịch Nhật Bản) làm việc. Vì ông Michio hiện đang cư trú trong khách sạn do công ty thuê với mức tiền thuê khá cao nên công ty muốn dùng tiền lương của ông Michio để mua cho ông một căn nhà gần nơi ông làm việc để ổn định chỗ ở và giảm chi phí cho công ty. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết ông Michio không được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nếu muốn mua nhà cho ông Michio thì công ty phải dùng tài sản của công ty mua và căn nhà do công ty đứng tên chủ sở hữu chứ không phải ông Michio. Xin hỏi thông tin trên có chính xác không? Nếu ông Michio muốn mua nhà ở thì phải thỏa mãn những điều kiện gì? (Đại diện Công ty X. trụ sở chính tại KCX Linh Trung II, Q. Thủ Đức TPHCM).
° Vì công ty không cho chúng tôi biết rõ ông Michio phụ trách công việc gì trong công ty và có phải là thành viên của công ty hay không nên có các trường hợp sau có thể xảy ra:
Nếu ông Michio là thành viên công ty, nghĩa là ông có phần vốn góp trong công ty thì ông Michio là nhà đầu tư nước ngoài có tham gia đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 19/2008/NQ-QH12 ngày 3-6-2008 của Quốc hội về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì cá nhân nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam: “Cá nhân nước ngoài có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư”. Vậy ông Michio sẽ được mua nhà và sở hữu nhà ở tại Việt Nam bằng tiền lương của ông.
Nếu ông Michio không phải là thành viên công ty nhưng là giám đốc do công ty thuê thì ông Michio không phải là nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp tại Việt Nam nhưng ông được một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê làm giám đốc, một chức danh quản lý trong công ty. Cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 19/2008/NQ-QH12 ngày 3-6-2008 của Quốc hội, cá nhân nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam: “Cá nhân nước ngoài được doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó”. Vậy ông Michio sẽ được mua nhà và sở hữu nhà ở tại Việt Nam bằng tiền lương của ông.
Trường hợp ông Michio không phải là thành viên công ty cũng không phải là giám đốc công ty mà ông Michio muốn sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì ông phải là chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có trình độ đại học hoặc tương đương trở lên và người có kiến thức, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu hoặc ông phải kết hôn với công dân Việt Nam (theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 19/2008/NQ-QH12 ngày 3-6-2008). Nếu không thỏa mãn một trong hai điều kiện này ông Michio sẽ không được mua nhà và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Ngoài ra, nếu muốn mua nhà cho ông Michio ở trong thời gian làm việc tại Việt Nam, công ty buộc phải dùng tài sản của công ty mua và căn nhà do công ty đứng tên chủ sở hữu chứ không phải ông Michio.
Chú ý: Trong trường hợp ông Michio đủ điều kiện mua nhà ở tại Việt Nam ông còn phải tuân theo các điều kiện sau đây:
+ Ông chỉ được sở hữu nhà ở trong thời hạn tối đa là 50 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quan hệ sở hữu nhà ở. Thời hạn này được ghi trong giấy chứng nhận quan hệ sở hữu nhà ở. Trong thời hạn mười hai tháng, kể từ khi hết thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam, ông phải bán hoặc tặng cho nhà ở đó.
+ Ông chỉ được sở hữu một căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại.
+ Ông chỉ được dùng nhà ở vào mục đích để ở, không được dùng để cho thuê, làm văn phòng hoặc sử dụng vào mục đích khác.
BÀNH QUỐC TUẤN (Khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật TPHCM)
| |