* Theo bản án của Tòa án nhân dân quận tuyên buộc ông A phải trả cho tôi số tiền 800 triệu đồng. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ông A vẫn cố ý không thực hiện nghĩa vụ theo nội dung bản án nên tôi đã làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án quận tổ chức thi hành bản án trên. Qua xác minh, tôi được biết căn nhà ông A đang ở do vợ ông đứng tên chủ sở hữu. Ông A chỉ có tài sản duy nhất là quyền sử dụng đất được hưởng thừa kế khi bố mẹ ông qua đời, nhưng ông A đã dùng miếng đất này góp vốn vào Công ty TNHH Tín Nghĩa và trở thành thành viên của công ty. Xin hỏi, cơ quan thi hành án có quyền kê biên quyền sử dụng đất của ông A để thi hành án không? (Nguyễn Thị Bình, TPHCM).
* Về điều kiện thi hành án thì căn cứ theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Luật thi hành án dân sự năm 2008: “Có điều kiện thi hành án là trường hợp người phải thi hành án có tài sản, thu nhập để thi hành nghĩa vụ về tài sản...”. Trong trường hợp này, cần xác định rõ những tài sản nào được dùng để thi hành nghĩa vụ thi hành án của ông A. Đối với căn nhà ông A đang ở mặc dù người đứng tên chủ sở hữu là vợ ông A nhưng nếu được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, một bên đứng tên vẫn là tài sản chung của vợ chồng. Do vậy, cần phải xác định căn nhà này là tài sản chung của vợ chồng hay tài sản riêng của vợ ông A. Nếu là tài sản chung của vợ chồng thì phần sở hữu của ông A trong khối tài sản chung (về nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, nhưng có xem xét đến công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản) có thể được dùng để thi hành nghĩa vụ thi hành án của ông A nếu tài sản riêng của ông A không đủ để thi hành toàn bộ nghĩa vụ thi hành án.
Nếu căn nhà là tài sản riêng của vợ ông A, thì tài sản để thi hành án được xác định là phần vốn góp tại Công ty TNHH Tín Nghĩa. Khi hết thời gian tự nguyện thi hành án mà ông A vẫn không tự nguyện thi hành thì chấp hành viên sẽ thực hiện kê biên vốn góp của ông A tại Công ty Tín Nghĩa để cưỡng chế thi hành án. Việc kê biên vốn góp được thực hiện theo quy định tại Điều 92 Luật Thi hành án dân sự.
Cần lưu ý, cơ quan thi hành án không ra quyết định kê biên trực tiếp quyền sử dụng đất mà ông A đã dùng để góp vốn vào Công ty Tín Nghĩa. Bởi vì, theo quy định tại Điều 29 Luật Doanh nghiệp 2005, thì sau khi thực hiện việc góp vốn, thành viên công ty TNHH phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty. Do vậy, quyền sử dụng đất mà ông A góp vốn vào Công ty Tín Nghĩa không còn thuộc quyền sở hữu của ông A mà đã trở thành tài sản của Công ty Tín Nghĩa. Điều này có nghĩa là, chấp hành viên chỉ có thể ra quyết định kê biên đối với phần vốn góp của ông A tại Công ty Tín Nghĩa, chứ không phải đối với tài sản ông A đã góp vốn (quyền sử dụng đất) hay một tài sản cụ thể nào khác thuộc sở hữu của Công ty Tín Nghĩa, trừ trường hợp được Công ty Tín Nghĩa đồng ý. Do tài sản bị kê biên thi hành án là phần vốn góp của người phải thi hành án trong doanh nghiệp, nên việc xử lý phần vốn góp để thi hành án được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự 2008 và Luật Doanh nghiệp 2005 nhằm hạn chế việc gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
ThS. HUỲNH THỊ NAM HẢI
(Khoa Luật, ĐH Kinh tế Luật)