Từ vụ bị buộc thôi việc vì “cãi”… giao ước thi đua - Phát hiện thêm nhiều tiêu cực

Mở lớp phổ cập “ma”

Từ vụ việc hai giáo viên bị kỷ luật vì chống bệnh thành tích xảy ra tại Trường THCS Trung Nhứt, phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, qua tìm hiểu, chúng tôi còn phát hiện thêm nhiều tiêu cực ở ngôi trường đang chuẩn bị được đề nghị xét đạt chuẩn quốc gia này. 

Mở lớp phổ cập “ma”

Theo những tài liệu chúng tôi thu thập được, trước đó vào cuối năm học 2007 – 2008, Trường THCS Trung Nhứt mở 2 lớp học phổ cập “ma” nhưng vẫn nhận chi phí phổ cập từ ngân sách. Cụ thể, trường làm hồ sơ xét mở lớp phổ cập khối 9 cho 42 học sinh trên địa bàn phường Trung Nhứt (khai giảng từ tháng 7-2007 và hoàn thành vào tháng 5-2008). Thế nhưng, do giáo viên không đi dạy đủ, học sinh không đi học nên lớp học chỉ duy trì được vài hôm thì tan rã.

Dù vậy, đến khi xét tốt nghiệp, gần 1/2 số học sinh không đi học và nhiều em khác chỉ học 2-3 buổi vẫn được xét cấp bằng tốt nghiệp THCS. Nhiều giáo viên không đi dạy nhưng vẫn ký nhận đầy đủ tiền bồi dưỡng. Cuối năm học 2009-2010, khi thầy Lý Văn Hiếu phát hiện và phản ánh, Phòng GD-ĐT quận Thốt Nốt mới thanh tra lại toàn bộ vụ việc trên.

Sau khi xác minh, Phòng GD-ĐT quận Thốt Nốt đã đưa ra bản kết luận xác nhận những nội dung thầy Hiếu phản ánh là đúng sự thật. Trong đó, đáng chú ý là khoản tiền ngân sách cấp kinh phí cho 2 lớp phổ cập “ma” trên là gần 33 triệu đồng. Tuy những sai phạm khá rõ ràng song kiến nghị xử lý của Phòng GD-ĐT quận Thốt Nốt lại hết sức hời hợt, chỉ yêu cầu rút kinh nghiệm, viết kiểm điểm.

Hiện tại Trường THCS Trung Nhứt vẫn còn lưu giữ khá nhiều bằng tốt nghiệp THCS phổ cập nhưng không cấp cho học sinh, lý do là những học sinh này không đi học đủ và các em cũng không biết mình được cấp bằng tốt nghiệp.

Không học vẫn đậu

Trở lại việc giao chỉ tiêu “trên trời” trong bản giao ước thi đua của Trường THCS Trung Nhứt có thể thấy từ chỉ tiêu về thành tích đang làm hư học trò THCS. Cô Võ Kim Phụng, giáo viên bị kỷ luật vì “cãi”... giao ước, cho biết: “Thực lực học sinh yếu, chỉ tiêu đưa ra lại cao, để đạt thành tích, các giáo viên luôn phải nhắm mắt cho điểm vớt học sinh. Những học sinh yếu có khi phải cho làm tới lui 1 đề kiểm tra để lấy điểm. Giáo viên không dám cho điểm đúng với thực lực các em vì… sợ ảnh hưởng đến thành tích của trường và bị trừ điểm thi đua”.

Còn thầy Lý Văn Hiếu, vừa cầm xấp bài kiểm tra chất lượng đầu năm đưa chúng tôi và nói: “Dù là đề kiểm tra lớp 9, nhưng thực chất nó chỉ là đề căn bản lớp 6. Vậy mà đa số là điểm 0 đến 2. Căn cứ vào đâu để đưa ra chỉ tiêu 95% - 98% trên trung bình? Tôi sẵn sàng dạy phụ đạo miễn phí cho các em và cam kết sẽ giúp những em điểm 3 đầu năm sẽ đạt điểm 5 vào cuối năm, ngược lại cũng cần trường phải nhìn vào thực tế, chứ không áp đặt lên đầu giáo viên như vậy. Tôi thấy cứ thế này sẽ làm hỏng cả thế hệ học sinh…”. 

Bản giao ước thi đua còn có những điểm “bắt chẹt” giáo viên như: Lớp học có 1 học sinh hạnh kiểm yếu giáo viên sẽ bị trừ 1 điểm; trong học kỳ có 1 học sinh bỏ học sẽ bị hạ bậc thi đua… Một giáo viên bức xúc: “Chính vì những điểm giao ước này mà không giáo viên nào dám xử lý hạ bậc hạnh kiểm học sinh cá biệt. Dần dà học sinh biết được nên không thèm học, thậm chí quậy phá ngay trong giờ học, đến mức có những em ngang nhiên bắc ghế giữa cửa lớp nghe điện thoại, mặc thầy cô đang giảng bài. Hễ giáo viên nhắc nhở, học sinh vẫn không nghe... còn xì xào không sợ vì không có ai bị hạ hạnh kiểm và ở lại lớp cả”.

Theo ông Nguyễn Quý Đôn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, việc đề ra chỉ tiêu thi đua hàng năm là cần thiết, nhưng phải phù hợp với điều kiện thực tế của trường học. Không được cao quá khả năng thực tế. Trường THCS Trung Nhứt đưa ra chỉ tiêu cao hơn năng lực của học sinh thể hiện qua bài kiểm tra chất lượng đầu năm như vậy là nặng thành tích. Đây là thực trạng chung của rất nhiều trường học hiện nay. Riêng việc mở phổ cập “ma” để nhận tiền ngân sách căn nguyên của nó cũng là do bệnh thành tích mà ra.

Khi chuyện học quá dễ dãi thì đương nhiên học sinh không thèm học, giáo viên cũng chán nản mà lơ là việc dạy với tâm lý dạy cho qua, kiểu gì cũng phải cho học sinh qua lớp 9, dần dà kỷ cương nề nếp trong trường học bị phá vỡ. Để hạn chế bệnh thành tích, đã đến lúc ngành giáo dục phải mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, không thể đánh giá qua những con số ảo, thành tích ảo; cần phải xắn tay đổi mới toàn diện mới mong nâng cao chất lượng giáo dục.

Đình Tuyển

- Buộc thôi việc vì… “cãi” giao ước thi đua

Tin cùng chuyên mục